"Dù bên nào đúng, bên nào sai thì hành hung bác sĩ ngay tại nơi làm việc vẫn là điều khó chấp nhận. Bởi bác sĩ là người chăm sóc sức khỏe, giữ lại mạng sống cho người khác trong đó có người thân của chính họ", ĐBQH Trần Thị Hằng nêu quan điểm.
Sau nhiều nỗ lực của ngành Y tế và cơ quan chức năng nhưng các vụ y, bác sĩ bị hành hung vẫn có xu hướng gia tăng là điều đáng báo động. Nguyên nhân do mức xử phạt chưa nghiêm, hay còn chiều ngược lại từ chính thái độ phục vụ của nhân viên y tế?
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Hằng, Ủy viên ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh về nội dung này.
PV:Thưa bà, từ đầu năm đến nay đã có hàng chục vụ việc hành hung nhân viên y tế. Đặc biệt, trong tuần cuối tháng Mười đã có 2 vụ hành hung bác sĩ nghiêm trọng ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và bắt cóc nữ điều dưỡng làm con tin. Quan điểm của bà thế nào về thực trạng báo động này?
ĐBQH Trần Thị Hằng: Liên tiếp xảy ra vụ việc người nhà tấn công nhân viên y tế ngay tại nơi làm việc là hành vi rất đáng lên án. Tôi nghĩ rằng, các cơ quan thông tấn báo chí và cả cộng đồng cần lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để phản đối những hành vi bạo lực mang tính côn đồ như vậy. Cả xã hội cùng vào cuộc để các y, bác sĩ không hoang mang, lo lắng khi thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình.
Dù bên nào đúng, bên nào sai thì hành hung bác sĩ ngay tại nơi làm việc vẫn là điều khó chấp nhận. Bởi bác sĩ là người chăm sóc sức khỏe, giữ lại mạng sống cho người khác trong đó có người thân của những “gã côn đồ”. Còn nếu y, bác sĩ sai thì đã có pháp luật xử lý. Tôi quan điểm dù là ai, người dân hay quan chức thì thượng tôn pháp luật là cần thiết.
ĐBQH Trần Thị Hằng. (Ảnh: Quochoi.vn). |
PV:Theo bà, cần trang bị cho bác sĩ những kỹ năng gì và phải chăng, đa số các vụ hành hung đều chỉ bị xử phạt hành chính nên chưa đủ tính răn đe để ngăn ngừa bạo lực?
ĐBQH Trần Thị Hằng: Cá nhân tôi cho rằng, không chỉ riêng bác sĩ mà tất cả mọi người đều cần được trang bị kỹ năng cho mình. Kỹ năng sống, kỹ năng mềm rất cần thiết trong ứng xử để giải quyết tốt các tình huống phức tạp diễn ra trong cuộc sống thường ngày. Ngoài chuyên môn, bác sĩ cũng phải được trang bị kiến thức về pháp luật để bảo vệ mình.
Hiện nay, luật pháp đã có những quy định xử lý trường hợp hành hung người thi hành công vụ tại các cơ sở hành chính sự nghiệp cũng như với nhân viên y tế. Nhưng để mang tính răn đe hơn, đảm bảo chế tài mạnh hơn thì cần sửa đổi luật. Với các vụ hành hung bác sĩ, nếu chỉ xử phạt hành chính, tính răn đe sẽ phần nào bị hạn chế.
Thậm chí, có những vụ việc hành hung bác sĩ cần xử lý lưu động để tuyên truyền mạnh mẽ, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các đối tượng khác không dám vi phạm.
PV:Về nguyên nhân của nạn bạo lực này, theo bà có hoàn toàn do ý thức người nhà hay còn chiều ngược lại từ chính nhân viên ngành Y?
ĐBQH Trần Thị Hằng: Nếu nói về bạo lực thì không riêng gì môi trường bệnh viện mà ngay cả gia đình, trường học... cũng có. Một cái nhìn đểu hay va chạm giao thông nhẹ nhàng cũng có thể xảy ra án mạng... Đó là điều hết sức đau lòng. Do đó, việc giáo dục đạo đức, lương tri mỗi người cần được coi trọng hơn ngay từ gia đình, trong nhà trường cũng như ngoài xã hội.
Theo quan điểm của tôi, ngành Y tế cũng cần thẳng thắn đánh giá lại kết quả hoạt động kể cả về chuyên môn và thái độ y đức. Về công tác quản lý, ngành Y cũng cần sát sao hơn trong chỉ đạo, điều hành. Không chỉ bằng các văn bản chỉ đạo từ trên xuống mà có những cuộc làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương để cùng bàn và đưa ra những giải pháp hiệu quả.
Ngành Y phải mạnh mẽ hơn nữa từ trong những hoạt động nội tại. Ví dụ ngay cả việc ký hợp đồng với đội ngũ bảo vệ cũng phải xem lại, họ đã hoạt động hiệu quả thực sự chưa? Phải đánh giá một cách tổng thể và thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của ngành để có sự thay đổi, làm sao hạn chế và tiến tới không còn bạo lực trong môi trường y tế.
PV:Trong một cuộc chia sẻ với báo chí gần đây, Bộ trưởng bộ Y tế cho rằng, “ngành Y tế gần như đơn độc trong đấu tranh với nạn bạo hành nhân viên y tế”. Bà có nghĩ như vậy không và vì sao?
ĐBQH Trần Thị Hằng: Tôi nghĩ điều đó chưa hoàn toàn đúng. Y, bác sĩ sẽ không cô đơn nếu họ luôn làm đúng y đức, tận tụy và hết lòng vì bệnh nhân. Những trường hợp may rủi chỉ là hi hữu. Bởi vì còn nhiều người xung quanh họ, cả xã hội bên cạnh họ. Tất cả các ngành, các cấp đều vào cuộc, phối hợp trong việc giải quyết nạn bạo lực này, chứ không riêng ai.
Ngay trong bệnh viện, bên cạnh bác sĩ bị hành hung còn các đồng nghiệp khác và người nhà bệnh nhân. Những người này cũng phải có trách nhiệm khi thấy bác sĩ bị hành hung. Rõ ràng, hành hung bác sĩ tại nơi làm việc là đáng lên án, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi thái độ về đạo đức, không chỉ người nhà bệnh nhân mà chính từ nhân viên y tế.
PV:Trân trọng cảm ơn bà!
Dương Thu