(ĐSPL) - Trong số hơn 300 học viên trốn trại, số học viên quay lại trại tính đến chiều 15/9 là 47 người. Ngoài một số học viên về nhà, một số học viên hiện đang bỏ trốn để tranh thủ ăn chơi. Việc một số học viên bị nhiễm HIV vẫn đang lang thang ngoài đường khiến nhiều người lo lắng...
Hơn 300 học viên bỏ ra ngoài diễu hành
Khoảng gần 16h ngày 14/9, hàng trăm học viên trong trung tâm GD-LĐ&XH Hải Phòng (xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, gọi tắt là trung tâm Gia Minh) tổ chức đập phá, trốn trại. Theo phản ánh của người dân địa phương, các học viên đông, có dùng gậy, côn làm vũ khí. Khi ra khỏi trại, các học viên đi theo hàng dài từ trung tâm Gia Minh đến cầu sông Giá. Trong quá trình đi như vậy, các học viên vẫn cầm vũ khí trên tay. Một học viên cho biết họ cầm vũ khí để đề phòng công an trấn áp. Tuy nhiên, lực lượng công an chỉ làm công tác tuyên truyền, vận động nên các học viên đã bỏ gậy và vũ khí dọc đường.
Hàng trăm học viên trốn trại, diễu phố trên đường phố Hải Phòng ngày 14/9. |
Theo ghi nhận của PV, lực lượng Công an TP.Hải Phòng đã dùng hệ thống loa phát thanh yêu cầu các nhà dân bên cạnh đóng cửa đề phòng các học viên trốn vào các ngõ ngách. Tất cả các quán xá hai bên đường khu vực các học viên đi qua đều đóng cửa, nghỉ bán hàng. Tuy nhiên, rất nhiều người dân ra đường xem, mang bánh, nước cho các học viên. Có học viên còn mượn điện thoại của người dân ven đường để gọi cho người thân đến đón. Nhìn chung, thái độ của các học viên với những người dân rất lễ phép.
Anh P.N., một người dân sống tại Thủy Nguyên kể lại chuyện mình đã đưa một học viên của trung tâm Gia Minh về nhà ở đường Cát Dài, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng: “Anh ấy năn nỉ mình đưa anh ấy về nhà ở đường Cát Dài vì 4 năm rồi anh ấy chưa được về. Vừa đi, mình vừa hỏi chuyện. Anh ấy có nói số người trốn trung tâm khoảng gần 700 người trong đó 2/3 là dân Thủy Nguyên, còn lại là ở những nơi khác. Các anh ấy trốn ra ngoài vì theo quy định, hết 2 năm, học viên sẽ được về nhà nhưng có những học viên ở trong Trung tâm hơn 2 năm, thậm chí hơn 3 năm mà vẫn chưa được về nên không chịu nổi (?)...”.
Trong số những học viên trốn ra ngoài, có học viên P.V.A.. Sau khi trốn, V.A. đã gọi điện cho vợ đến đón. Trao đổi với PV, vợ V.A. cho biết: “Buổi sáng em vẫn vào thăm chồng bình thường, không thấy anh ấy nói gì về việc bỏ trốn. Chiều, khoảng hơn 3h, em thấy anh ấy gọi điện bảo sang đón anh ấy. Em thực sự hoang mang, không biết có chuyện gì xảy ra. Khi em sang đến nơi thì có đi cùng các anh ấy một đoạn, định chờ hết tắc đường thì đưa chồng em về. Nhưng anh ấy không về được và phải quay lại trung tâm rồi. Chồng em và các bạn anh ấy chỉ bức xúc vì lâu không được về nhà thôi còn họ rất hiền, không hại gì ai cả”.
PV đã có mặt tại những cung đường các học viên đi qua, khi người thân của họ đến, có những người đã quát lên: “Tại sao hơn 3 năm rồi mà không đón tôi về?”. Hầu hết các học viên đều bức xúc vì đã lâu rồi, họ không được về nhà.
Nhiều học viên trốn trại bị nhiễm HIV
Theo thông tin từ Giám đốc trung tâm Gia Minh, ông Nguyễn Quang Toàn, tính đến ngày 15/9 đã có 47 học viên cai nghiện trong tổng số hơn 300 học viên cai nghiện bỏ trốn quay trở lại Trung tâm. Theo thông tin ban đầu, có khoảng 400 học viên đã bỏ trốn. Trong số này phần lớn những học viên là đối tượng thuộc Nghị định 94/CP có hiệu lực từ tháng 10/2009 (Nghị định áp dụng các biện pháp quản lý các đối tượng sau cai nghiện).
UBND TP.Hải Phòng đã có quyết định giao nhiệm vụ cho trung tâm Gia Minh quản lý từ tháng 10/2013 các đối tượng này. Theo Nghị định 94, những đối tượng sau quá trình cai nghiện 2 năm phải tiếp tục ở trung tâm thêm từ 1 - 2 năm nữa. Những đối tượng này được hưởng chế độ phụ cấp 360.000 đồng/người/tháng, thấp hơn so với đối tượng bình thường 90.000 đồng/tháng, dẫn đến chế độ ăn kém hơn so với những đối tượng cai nghiện bình thường. Cho đến thời điểm hiện tại, toàn Trung tâm có khoảng 300 đối tượng thuộc diện quản lý theo Nghị định 94. Theo ông Toàn, việc áp dụng Nghị định 94 là nguyên nhân sâu xa gây sự bất bình trong các đối tượng phải ở lại cai nghiện vì họ phải ở trong Trung tâm thêm một thời gian nữa.
Về thông tin học viên tố cáo phải lao động vất vả và đối xử không tốt, ông Toàn cho rằng hoạt động lao động tại Trung tâm là biện pháp trị liệu. Việc lao động là có thật nhưng chế độ lao động không hề hà khắc. Hơn nữa, theo quy định, mỗi học viên chỉ được hỗ trợ 360 nghìn đồng tiền ăn/tháng, Trung tâm đã phải tăng gia bằng các hoạt động: Chăn nuôi, sản xuất, gia công, để có thêm thu nhập cải thiện bữa ăn cho học viên. Bên cạnh đó, do Trung tâm không có hàng rào nên việc học viên bỏ trốn ra ngoài cũng rất dễ dàng.
Nhiều học viên được xác nhận đã được gia đình đón về và sẽ quay trở lại Trung tâm trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số học viên khi bỏ trốn khỏi trại cai nghiện đã không trở về nhà và cũng không quay trở lại Trung tâm. Có học viên còn gọi điện về nhà xin tiền để ăn chơi trước khi quay trở lại Trung tâm. Như trường hợp của học viên Nguyễn Văn Dương (SN 1984), một đối tượng thuộc dạng cai nghiện bắt buộc tại trung tâm GD-LĐ&XH Hải Phòng. Người nhà Dương cho biết đến thời điểm này, học viên Dương vẫn chưa trở về nhà. Anh Nguyễn Văn Ba (SN 1990), em trai của Dương cho biết, sau khi cùng với hàng trăm người gây rối tại Trung tâm và bỏ trốn ra ngoài, Dương đã vay được 500.000 đồng, sau đó gọi điện về cho mẹ xin 2 triệu đồng để ăn chơi mấy ngày rồi sẽ trở về Trung tâm. Tuy nhiên, vì gia đình không có tiền nên đã không cho, từ đó cũng không thấy Dương liên lạc lại.
“Anh Dương là đối tượng thuộc diện cai nghiện bắt buộc, đáng lẽ đến tháng 4 vừa rồi thì hết thời hạn cai nghiện tại Trung tâm, nhưng khi có Nghị định 94 quy định về thời gian sau cai nghiện tăng thêm từ 1 đến 2 năm đối với một số thành viên tại Trung tâm, anh Dương thuộc nhóm áp dụng Nghị định trên, nên phải ở lại thêm một khoảng thời gian nữa. Trước đó, mọi người vẫn hay vào thăm, nhưng sau khi có Nghị định 94, anh Dương cho rằng phía gia đình có tác động với bên Trung tâm giữ anh ấy lại, nên từ đó không cần mọi người đến thăm như trước”, anh Ba cho biết.
Trưởng Công an xã Gia Minh Vũ Xuân Lương cho biết: “Hàng trăm đối tượng bỏ trốn khỏi Trung tâm cứ thế diễu hành thành đoàn trên đường và có mang theo gậy gộc, nhưng họ không gây gổ hay đập phá gì cả. Các đối tượng cầm đầu gây rối thuộc đội 6 của Trung tâm. Trong đội 6, có một số đối tượng nhiễm HIV. Các đối tượng này đã bất ngờ phá đội và kéo đến các đội khác hò hét lôi kéo, dọa nếu không mở cửa các đội sẽ phá cổng. Sau khi vào các đội khác, số học viên này đã lôi kéo nhiều học viên cùng đi khỏi Trung tâm. Đa số các học viên đều ở trên địa bàn TP.Hải Phòng.
Trưởng Công an xã Gia Minh Vũ Xuân Lương. |
Cũng theo thông tin từ phía Công an xã Gia Minh, ngày 26/8, một số nhóm học viên đã đánh 3 học viên khác là Lê Đình Thắng, Phan Khắc Cường, Đỗ Đức Bách thuộc đội 1. Sau đó 13 đối tượng gây rối đã kéo nhau lên núi cố thủ. Chiều 26/8, 6 đối tượng đã xuống núi. Ngày 28/8, có thêm 6 đối tượng nữa xuống núi. Chỉ còn đối tượng Trần Văn Quý (SN 1979) vẫn đang cố thủ trên núi. Nguyên nhân dẫn đến ẩu đả là do các đối tượng thấy “ngứa mắt” nên đánh các học viên trên. Việc các học viên bỏ trốn khỏi trại khiến người dân lo lắng, bởi trong số đó có cả học viên nhiễm HIV. “Tuy nhiên đến nay có một số đối tượng không về nhà và cũng không quay lại Trung tâm”, ông Lương cho biết thêm.
Động viên các học viên không rời Trung tâm Hiện Công an TP.Hải Phòng đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát bảo vệ và Công an huyện phối hợp với bảo vệ trung tâm Giáo dục - lao động Xã hội Hải Phòng (xã Gia Minh, Thủy Nguyên), thuyết phục và quản lý chặt các đội còn lại, không để học viên các đội khác tham gia bỏ Trung tâm và ổn định tình hình tại chỗ. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, gia đình học viên cam kết đưa con em quay lại Trung tâm trong thời gian gần nhất. Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ gửi cho báo chí, ngày 15/9, bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức ngay các biện pháp cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em; hướng dẫn các cơ sở thực hiện quản lý đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em và hướng dẫn kỹ năng cho đội ngũ nhân viên công tác xã hội ở cơ sở theo quy định của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP. |