+Aa-
    Zalo

    Hàng ngàn hải sâm trôi dạt vào bờ biển: Cẩn thận với “lộc trời”?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mấy ngày nay, hàng trăm ngư dân sống ven khu vực bãi biển từ Dinh Cậu đến Cửa Lấp thuộc huyện Phú Quốc để thu gom hàng ngàn con hải sâm bị sóng đánh dạt lên bờ.

    (ĐSPL) - Mấy ngày nay, hàng trăm ngư dân sống ven khu vực bãi biển từ Dinh Cậu đến Cửa Lấp thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang đổ dồn về đây để thu gom hàng ngàn con hải sâm bị sóng đánh dạt lên bờ.

    Hải sâm vốn có giá trị kinh tế cao, khó đánh bắt, được dùng trong đông y như một vị thuốc “cải lão hoàn đồng” nên việc bỗng dưng cả ngàn con hải sâm dạt lên bờ biển được cho là hiện tượng hiếm có. Nhiều người cho đây là “lộc trời” nhưng cũng không ít người “lăn tăn” trước việc sẽ có hàng tấn hải sâm chết sẽ được đưa ra thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng?

    Lộc biển?

    Ngay sau khi có thông tin về hàng ngàn con hải sâm trôi dạt vào bờ, PV báo ĐS&PL đã trực tiếp tới hiện trường để ghi nhận. Ông Phạm Văn Tiến (71 tuổi, ngụ xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Khu vực hải sâm bị đánh dạt nhiều nhất là từ Dinh Cậu đến Cửa Lấp. Do hải sâm có giá trị kinh tế cao nên tôi và nhiều người dân ra khu vực này để thu gom hải sâm rồi bán cho thương lái. Tôi thấy đây là lần đầu tiên ở địa phương này xảy ra hiện tượng hải sâm bị sóng biển đánh dạt vào bờ”.

    Ông Lê Thanh Sơn, người dân ở xã Dương Tơ, người có trên 40 năm gắn liền với biển Phú Quốc thì bày tỏ: “Sáng ngày 18/9 khi tôi đang lợp lại cái mái nhà thì nghe mấy người hàng xóm kháo nhau ra bờ biển nhặt hải sâm. Lúc đầu, tôi không tin và nghĩ chắc có thì cũng vài ba con chứ cũng chẳng tới lượt mình. Nhưng một lúc sau, vợ tôi cũng gọi điện về thông báo hải sâm trôi vào bờ rất nhiều. Tôi tức tốc huy động cả 3 đứa con cùng mang thùng, bao ra bờ biển. Chưa đầy 1 tiếng đồng hồ mà 4 thành viên của gia đình tôi đã thu gom được hơn 210kg hải sâm”.

    Người dân thu lượm hải sâm trôi dạt lên bờ biển.

     

    Ước tính của ông Sơn thì số lượng hải sâm dạt vào bờ lần này là khoảng 2 tấn và chỉ có lần này mới nhiều như vậy. Ông Sơn nói: “Nhiều vô kể. Cứ theo mỗi đợt sóng là cả một lớp hải sâm bện vào nhau như mảng lưới lớn bị đánh dồn vào bờ. Lúc tôi chạy ra tới bờ biển đã có cả trăm người có mặt ở đó từ trước rồi. Thế mà 4 cha con vẫn thu gom được cả trăm kg, nhiều nhà thậm chí còn thu được gấp 2, gấp 3 lần như vậy”.

    Theo những gì mà PV ghi lại từ những ngư dân sinh sống lâu năm tại Phú Quốc thì đây là hiện tượng chưa từng xảy ra. “Chuyện hải sâm bị sóng đánh dạt vào bờ xưa nay không phải là hiếm, nhưng trong lịch sử của cả vùng này, tuyệt đối chưa từng xảy ra chuyện hải sâm bị đánh dạt vào bờ với số lượng lớn như thế này. Là họa hay phúc thì chưa biết được, nhưng trước mắt thì nhờ chuyện này mà nhiều nhà trong khu vực đổi đời từ tiền bán hải sâm thu gom được”, ông Hoàng Văn Ba (62 tuổi, một lão ngư địa phương) cười cho biết.

    Giải mã cho hiện tượng bất thường này, theo thạc sỹ Lê Minh Nam (chuyên gia sinh vật biển trường ĐH Kiên Giang) thì: “Hiện tượng hải sâm dạt vào bờ và chết hàng loạt là do nguyên nhân môi trường biển tại đây đã bị ô nhiễm nặng. Bởi hải sâm là loài vốn sống trong môi trường nước sạch sẽ, không có chất độc. Chỉ cần môi trường nước thay đổi là hải sâm sẽ chết hàng loạt ngay”. Cũng theo thạc sỹ Nam, thực tế cho thấy, thời gian qua, việc ngư dân Phú Quốc đánh bắt hải sản bằng thuốc nổ đã góp phần phá hủy hệ sinh thái biển và từ đó kéo đến hệ lụy hôm nay.

    Từ kinh nghiệm đi biển cùng với hơn 35 năm  gắn liền với công việc mưu sinh trên biển, ông Trần Văn Bá (ngụ huyện Phú Quốc) lại đưa ra giả thuyết khá thuyết phục. Theo đó, việc khai thác cá và hải sâm của người dân hiện nay rất thủ công.

    Họ dùng lưới cào quét mạnh dưới đáy biển, kéo hết vào các rạn san hô. Bên cạnh đó, để việc đánh bắt hiệu quả hơn, họ còn dùng nhiều loại hóa chất. Chính điều này đã phá vỡ ngôi nhà của hải sâm. Khi ngôi nhà của hải sâm bị ảnh hưởng thì việc hải sâm bị sóng đánh dạt bờ là thực tế đã thấy rõ. Nếu tình trạng này không chấm dứt trong thời gian tới thì việc hải sâm bị đánh dạt bờ sẽ còn liên tục xảy ra. Đến lúc đó, người dân Phú Quốc sẽ không còn khai thác được nguồn lợi mà hải sâm mang lại nữa.

    Và, sự thận trọng khi dùng hải sâm

    Việc thu lượm được số lượng lớn hải sâm một cách dễ dàng, phần lớn số hải sâm này đã chết khi trôi dạt vào bờ cũng khiến không ít người đặt câu hỏi, liệu nguồn hải sâm trên có còn giữ được công dụng khi nó vốn được coi là nguồn dược liệu cho những bài thuốc đông y? Lương y Tạ Vĩnh Long, hội viên hội Đông y Việt Nam chia sẻ với PV báo ĐS&PL: “Theo đông y, hải sâm có vị mặn, vào hai kinh tâm và thận; tác dụng bổ thận, dưỡng huyết, nhuận táo, chống lão hóa,  giảm ho, tiêu độc, cầm máu...

    Hải sâm thường được dùng trong các trường hợp tâm khí hư, thận khí suy, khí huyết kém, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, di tinh, tiểu tiện khó, tiểu buốt, táo bón, phụ nữ sau sinh... Hải sâm được cấu tạo bởi chất sụn, là một nguồn cung cấp rất tốt các chất mucoplysaccharides, phần chính là chondroitin sulfate - một chất đã được chứng minh có khả năng giúp làm giảm đau và sưng trong các trường hợp sưng xương khớp và thấp khớp.

    Tuy nhiên, chính vì hải sâm được cấu tạo bằng chất sụn nên nó rất nhanh chóng bị rơi vào trạng thái phân hủy và như vậy sẽ tồn đọng dư lượng độc tố trong cơ thể. Nếu sử dụng hải sâm đã bị phân hủy làm dược liệu thì chắc chắn sẽ làm hỏng thang thuốc, ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng”.

    Lương y Tạ Vĩnh Long phân tích xác nhận: “Hải sâm đúng là quý và tốt như đã nêu song lưu ý là chúng có đến 1.100 loài và không phải loài hải sâm nào cũng ăn được, vì có khoảng 30 loài chứa độc tố. Theo tôi được biết, vùng biển từ Khánh Hòa đến Côn Đảo có nhiều loài hải sâm, như: Hải sâm vú, hải sâm mít, hải sâm lựu, hải sâm trắng, hải sâm đen... Trong các loài nói trên thì hải sâm trắng được xem là có giá trị kinh tế nhất. Tại vùng biển Nha Trang (Khánh Hoà), có loài hải sâm holothuria martensii không ăn được”.

    Cũng liên quan đến việc nhiều người cho rằng dùng hải sâm nhiều có tác dụng “tăng cường bản lĩnh đàn ông”, bác sỹ Nguyễn Hải Nguyên, viện Y học cổ truyền Trung ương cho rằng: “Dùng hải sâm để giúp nam giới cường dương là quan niệm buồn cười. Hải sâm thuộc hàn, không vảy, bổ dương sao được? Con trai chủ khí, con gái chủ huyết. Khi hải sâm bổ âm thì dương chắc chắn kém. Ăn hải sâm nhiều sẽ không tốt. Về lý thuyết, hải sâm nên ăn vừa phải và nấu kèm chất nóng như ớt”.

    Tiến sỹ Phạm Thị Thu Giang, chuyên gia nghiên cứu sinh vật biển tại khu vực phía nam, chia sẻ: “Khi hải sâm chết, dạt vào bờ biển thì quá trình biến đổi chất rất nhanh. Đáng chú ý, trong cơ thể hải sâm có thể tồn tại các thể nấm độc, tảo độc. Do đó, người dân không nên ăn hải sâm chết do có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe”. 

    Có thể cùng chung một nguyên nhân

    Cũng liên quan đến việc hàng trăm con sao biển, một sinh vật biển có cùng môi trường sống như hải sâm, mắc cạn trên bờ biển Nhật mới đây, Go Suzuki, một chuyên gia của cơ quan Nghiên cứu Thủy sản Nhật Bản, nhận định: “Tình trạng thiếu san hô có thể là nguyên nhân khiến sao biển gai mắc cạn tập thể trên bãi cát.

    San hô từng bao phủ 60\% một khu vực gần đảo Ishigaki, song ngày nay chúng chỉ bao phủ 1\% diện tích. Do diện tích san hô giảm dần, sao biển gai buộc phải di chuyển tới gần bờ để kiếm thức ăn. Khi chúng tới quá gần bờ biển, những đợt sóng mạnh đẩy chúng lên bờ. Bị sóng đẩy lên bờ trong tình trạng đói, lũ sao biển gai không đủ sức để quay trở lại biển.

    Văn Hậu - VPMN

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud] xtSixsJkIQ[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-ngan-hai-sam-troi-dat-vao-bo-bien-can-than-voi-loc-troi-a112453.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.