+Aa-
    Zalo

    Hàng loạt vụ thầy giáo bị "tố" dâm ô, gạ tình học sinh: Nỗi ám ảnh trong lòng con trẻ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau hàng loạt vụ thầy giáo bị tố dâm ô, gạ tình học sinh diễn ra trong thời gian gần đây, thực tiễn cho thấy nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra bất cứ nơi nào.

    Sau hàng loạt vụ thầy giáo bị tố dâm ô, gạ tình học sinh diễn ra trong thời gian gần đây, thực tiễn cho thấy nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra bất cứ nơi nào, bất cứ với đối tượng nào.

    Những ngày qua, liên tiếp các vụ việc thầy giáo bị "tố "dâm ô, gạ tình học sinh khiến dư luận vô cùng bức xúc. Những người gây ra vụ việc nếu có tội sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, song nỗi ám ảnh trong lòng con trẻ sẽ khó có thể phai mờ.

    Xử lý răn đe

    Trao đổi trên Lao động, Ths. Ls Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội): "Việt Nam là một trong những quốc gia sớm gia nhập Công ước về Quyền trẻ em, các quyền cơ bản về trẻ em cũng được quy định trong Hiến pháp 2013; Luật trẻ em 2016 và các văn bản pháp luật khác có liên quan như: Luật giáo dục, Bộ luật lao động 2012, Bộ luật dân sự 2015, Bộ luật hình sự 2015..."

    Pháp luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể trong việc bảo vệ trẻ em tuy nhiên nhiều vụ việc đau lòng vẫn ngang nhiên tiếp diễn.

    Liên quan tới việc thầy giáo tại Việt Yên, Bắc Giang bị tố dâm ô hàng loạt cháu học sinh lớp 5 và vụ việc thầy giáo trường cấp 3 lộ thông tin nhắn tin gạ tình học sinh lớp 10, luật sư Đặng Văn Cường cho biết cần phải làm rõ tính chất của sự việc, phân biệt rõ "dâm ô" và "quấy rối tình dục".

    Theo đó, khái niệm dâm ô có thể được hiểu là hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác nhằm kích thích hoặc thỏa mãn tình dục, hành vi quấy rối tình dục được hiểu là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của nữ giới và nam giới, là hành vi dùng lời nói hoặc cơ thể để khơi gợi tình dục không mong muốn khiến người bị quấy rối cảm thấy phiền hà, xấu hổ. Hành vi quấy rối tình dục ít nguy hiểm hơn dâm ô.

    Trong vụ việc xảy ra ở Bắc Giang nêu trên, cơ quan điều tra cần thận trọng trong quá trình điều tra để làm rõ hành vi, động cơ, mục đích để xác định đối tượng có phạm tội hay không. Nếu phạm tội dâm ô với người dưới 16 tuổi hay tội hiếp dâm người chưa đủ 16 tuổi có thể bị phát tù từ 3 đến 7 năm. Trong trường hợp gây ra tổn hại tinh thần hay dẫn đến hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt từ 7 đến 12 năm.

    Nhấn mạnh về quá trình điều tra, xử lý hai vụ việc nêu trên, Ths. Ls Đặng Văn Cường thể hiện thái độ cứng rắn phải cần nghiêm minh theo pháp luật, tăng cường tính răn đe. Từ các vụ việc nêu trên cần làm trong sạch đội ngũ giáo viên, gìn giữ thuần phong, mỹ tục quan hệ tốt đẹp trong sáng giữa thầy trò mà ông cha ta đã tạo lập vun đắp qua hàng ngàn năm.

    Báo An ninh Thủ đô dẫn lời chia sẻ của TS Vũ Thu Hương - Giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, ngoài việc tăng cường giáo dục giới tính cho học sinh ở cả gia đình và nhà trường cần phải tăng nặng hình phạt đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

    “Trẻ em là đối tượng cực kỳ yếu thế, những tổn hại về tinh thần và thể xác đối với các em sau những vụ việc như thế là không thể đo đếm được. Chính vì vậy, những vụ xâm hại trẻ em cần phải được liệt vào những vụ trọng án, có hình thức xử lý thật nghiêm minh, phạt tội thật nặng để làm gương cho kẻ khác” - bà Hương nói.

    Hàng loạt những vụ thầy giáo bị tố dâm ô, gạ tình học sinh khiến dư luận bức xúc - Hình minh họa

    Hậu quả nặng nề trong lòng con trẻ

    Trao đổi trên tờ Kinh tế đô thị, TS Xã hội học Thân Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển Tri thức ITCD chia sẻ, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra lạm dụng tình dục trẻ em sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến thể xác và tinh thần ở trẻ. Trong đó, những hậu quả về tinh thần có ảnh hưởng lâu dài thậm chí trong suốt cuộc đời con người.

    Đó chính là sự tổn thương lớn về mặt tâm lý: Trẻ bị lạm dụng tình dục dễ bị xung động bạo lực, thậm chí có ý định tự tử; xuất hiện những cảm xúc tiêu cực là tiền đề cho trầm cảm và rối loạn lo âu. Trẻ em bị lạm dụng tình dục trong thời gian dài sẽ dậy thì sớm từ 8 - 12 tháng so với những đứa trẻ bình thường. Bên cạnh đó, trẻ thường có nhiều hành vi lệch chuẩn trong tương lai thậm chí không coi trọng chính bản thân mình, dễ chấp nhận lối sống buông thả, để lại nỗi đau, sự ám ảnh trong suốt cuộc đời.

    Theo TS Thân Trung Dũng, lỗ hổng lớn về giáo dục giới tính trong các nhà trường phổ thông ở Việt Nam hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra các sự việc trên. “Không chỉ học sinh mà ngay cả phụ huynh và nhiều thầy cô giáo vẫn có nhận thức chưa cao về giới tính, tình dục, chưa nói đến các kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Đây là vấn đề cần được ngành giáo dục, truyền thông đại chúng vào cuộc” - TS Dũng nhấn mạnh.

    Cô Vũ Thu Hà - chuyên gia tâm lý học đường, trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) cho rằng, để học sinh nhận biết dấu hiệu xâm hại tình dục có thể xảy ra cần sự giáo dục từ phía nhà trường, phụ huynh, học sinh. Ngoài ra, các em học sinh có thể tìm nguồn tài liệu về sinh sản, sức khỏe vị thành niên trong đó nói rõ cơ thể của mình không ai được phép đụng chạm, xâm phạm.

    Các chuyên gia tâm lý cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của bố mẹ trong việc bảo vệ con em. Phụ huynh phải nói với con câu chuyện sức khỏe vị thành niên, đặc biệt là quan sát các con hàng ngày.

    Đặc biệt, bố mẹ dạy các con cách thức không để ai đụng chạm vào cơ thể mình. Nếu người nào đó đụng vào cơ thể con có nghĩa họ không tốt, cần phải thông báo với người lớn.

    “Thực ra, đây là những vấn đề về cảm xúc, tế nhị mà bố mẹ khó có thể bày tỏ với con. Nhưng, bố mẹ phải là người chủ động chia sẻ trước thì các con mới bày tỏ dễ dàng hơn” - cô Hà nhấn mạnh.

    Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, dựa trên các khái niệm, xâm hại tình dục trẻ em sẽ có cảnh báo về động chạm, nhìn, ôm hôn, kể chuyện mang tính chất tục.

    Nhiều người thường hiểu xâm hại tình dục là khi có xâm nhập vào bộ phận tình dục. Chúng ta cần mở ra một khái niệm cho thấy hành vi xâm hại bao gồm cả sờ soạng phía bên ngoài cơ thể. Những hành vi này đều vi phạm pháp luật và đều để lại thương tổn tâm lý cho nạn nhân.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-loat-vu-thay-giao-bi-to-dam-o-ga-tinh-hoc-sinh-noi-am-anh-trong-long-con-tre-a265533.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan