Vụ bạo hành trẻ em dã man ở trường mầm non tư thục Mầm Xanh khiến dư luận đang bức xúc chỉ là một trong chuỗi các sự việc đầy đau lòng tương tự từ đầu năm đến nay.
1. Giáo viên mầm non cầm dép đánh trẻ
Clip dài khoảng 2 phút ghi lại hình ảnh cô giáo mầm non cầm dép đánh em bé, không chỉ vậy cô giáo này còn tát, chửi mắng học sinh với những câu tục tĩu vô văn hóa đã xuất hiện trên mạng xã hội hôm 5/2/2017.
Sau khi bị phanh phui thì được biết những hình ảnh trên xảy ra tại trường mầm non Sen Vàng (đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), chủ cơ sở cho thuê mở trường mầm non là bà Nguyễn Thị H.
Kết quả là 2 giáo viên trực tiếp liên quan đến vụ việc bị sa thải và nhận quyết định xử phạt hành chính với với mức tiền phạt 2,5 triệu đồng/giáo viên về hành vi xâm hại đến sức khỏe học sinh do cơ quan công an yêu cầu.
2. Giáo viên đánh trẻ mầm non bằng đũa ăn cơm
Sự kiện trên còn chưa kịp hết nóng thì lại đến vụ việc giáo viên đánh trẻ mầm non bằng đũa ăn cơm, tại trường Mầm non Thanh Xuân Nam, TP Thanh Hóa, vào ngày 9/2/2017. Gia đình cháu bé mới đi học 4 ngày phát hiện nhiều vết lằn, thâm ở đùi, đưa cháu đến trường làm rõ sự việc thì được biết cô giáo Linh dùng đũa ăn cơm đánh cháu.
Vụ việc cuối cùng kết thúc bằng việc Hội đồng quản trị và cán bộ quản lý trường Mầm non bị phê bình vì để xảy ra việc bạo hành trẻ em, vi phạm các quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ và vi phạm các quy định pháp luật, còn cô giáo Linh bị sa thải.
3. Bảo mẫu bạo hành trẻ khi ăn
Vào giữa tháng 3/2017, một đoạn clip kéo dài khoảng 5 phút ghi lại hoạt động tại nhóm trẻ tự phát tại địa chỉ số 214/77 Nguyễn Oanh, phường 17, Q.Gò Vấp, TPHCM được chia sẻ cho thấy hình ảnh gần chục trẻ bị bạo hành dã man trong giờ ăn cũng như lúc tắm.
Hai bảo mẫu tại điểm giữ trẻ này là bà Phạm Thị Dạ Lan, Phạm Thị Mộng Thu bắt trẻ nằm ngửa ra để đút, bé nào không nuốt thì liền đánh vào đầu, tát vào mặt để bé khóc há miệng ra.
Sự việc gây chấn động dư luận này đã khiến công an Quận Gò Vấp phải vào cuộc. Nhưng cuối cùng vì không đủ yếu tố để xử lý hình sự, tội “hành hạ người khác”, mà chỉ đề nghị xử phạt vi phạm hành chính chủ điểm giữ trẻ tự phát này.
4. Cô hiệu trưởng dốc đầu trẻ vào máy vặt lông gà
Ngày 22/3, dư luận cả nước lại xôn xao với sự việc cô giáo hiệu trưởng trường mầm non xã Xuân Giao (Bảo Thắng, Lào Cai) bạo hành dọa dốc đầu cháu bé mới 5 tuổi vào máy vặt lông gà.
Chính bố cháu bé đã phát hiện và quay lại cảnh này sau khi phát hiện con mình có biểu hiện bất thường.
Sự việc chấm dứt với việc bà Vũ Thị Hằng (hiệu trưởng nhà trường) bị cách chức và điều động sang giảng dạy tại trường khác. Hai cô giáo còn lại có liên quan đến sự việc là cô Vũ Thị Thu Hiền, Lê Thị Phượng bị kỷ luật cảnh cáo và điều động chuyển sang trường khác, tạm thời làm nhân viên trường học không trực tiếp giảng dạy.
5. Bé gái 4 tuổi bị cô giáo nhốt đến 8 giờ tối
Đến ngày 28/3, trên mạng Facebook lại vỡ lở vụ bé gái Mai Thị Yến, 4 tuổi bị cô giáo Trường mầm non Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), nhốt trong nhà vệ sinh rồi bỏ quên. Gia đình bé tá hỏa đi tìm, nhờ loa phát thanh xã phát thông báo tìm con.
Cô giáo Vương Thị Hương khi nghe loa phát thanh của xã mới sực nhớ ra mình nhốt cháu Yến trong nhà vệ sinh, vội hốt hoảng gọi điện cho đồng nghiệp thông báo. Người nhà cháu Yến đã phải trèo tường vào cứu con.
Cô giáo sau đó đã bị đình chỉ công tác để xem xét kỉ luật.
Và vụ việc hiện đang gây dư luận phẫn nộ nhất hiện nay là bảo mẫu đầy đọa trẻ tại Trường Mầm Non tư thục Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM). 3 cô giáo tại trường này liên tục thay phiên nhau dùng nắp vung, bình nhựa hoặc chổi lau nhà,… đánh đập vào đầu, người các bé rất dã man.
Được biết theo luật pháp quy định thì trong trường hợp có đầy đủ chứng cớ, đưa các vụ bạo hành trẻ ra khỏi tố thì mức án dành cho hành vi này có thể lên đến 3 năm tù giam. Còn nếu không đủ chứng cớ (mâu thuẫn về lời khai hai bên, giám định y tế thấy trẻ không có chấn thương nặng) thì cùng lắm là phạt hành chính đối với trường tư thục hoặc sa thải công tác với trường công lập.
Thiết nghĩ những hình thức xử phạt trên đã không có tác dụng răn đe, bằng chứng là các vụ việc liên tiếp diễn ra trong thời gian ngắn. Người vi phạm không chỉ là các giáo viên trực tiếp trông trẻ mà còn là những cán bộ quản lý như cô hiệu trưởng.
Nếu không có biện pháp chế hành mạnh mẽ hơn, thì không biết đến bao giờ, các bậc phụ huynh và dư luận xã hội mới hết "bức xúc", "thổn thức", "đau lòng" và "phẫn nộ" khi phải tiếp tục chứng các vụ bạo hành con trẻ.
Minh Minh(T/h)