Suy thoái kinh tế của Trung Quốc và căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã làm giảm tinh thần của các doanh nghiệp Đức.
Một công ty lắp ráp ô tô tại Trung Quốc. Ảnh: DW |
Gần một phần tư các công ty Đức hoạt động tại Trung Quốc đang có kế hoạch di dời toàn bộ hoặc một phần doanh nghiệp của họ ra khỏi đất nước châu Á này, theo một nghiên cứu được công bố hôm 12/11 bởi Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc.
Cuộc khảo sát hàng năm đối với 526 công ty thành viên ở Trung Quốc cho thấy 23% trong số họ đã quyết định rút việc sản xuất khỏi nước này hoặc đang xem xét. Một phần ba trong số các công ty đã lên kế hoạch rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn.
Phần còn lại cho biết họ sẽ chuyển một phần kinh doanh và sản xuất ra nước ngoài, phần lớn đến các nước có chi phí thấp hơn ở châu Á.
Chi phí hoạt động ở Trung Quốc đang tăng lên khi nước này tìm cách tái cân bằng nền kinh tế từ mô hình dẫn đầu về xuất khẩu và đầu tư sang một mô hình được thúc đẩy bởi dịch vụ và chi tiêu tiêu dùng.
Trong số 104 công ty đã quyết định rời đi hoặc đang xem xét làm như vậy, 71% đều cho biết nguyên nhân là vì sự gia tăng chi phí sản xuất, đặc biệt là chi phí lao động.
Những người tham gia khảo sát thể hiện sự bi quan trước sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trực tiếp hoặc gián tiếp đã ảnh hưởng đến 83% số người được hỏi.
"Kỳ vọng kinh doanh đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm", nghiên cứu cảnh báo. Chỉ có khoảng một phần tư các công ty được khảo sát hy vọng sẽ đáp ứng hoặc vượt qua được mục tiêu của họ trong năm nay.
Các công ty Đức cho biết những thách thức chính của họ ở Trung Quốc có liên quan đến các rào cản tiếp cận thị trường, sự không chắc chắn về pháp lý và yêu cầu chuyển giao công nghệ.
Hơn một phần ba số người được hỏi trong cuộc khảo sát cho biết những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc "san bằng sân chơi" cho các công ty nước ngoài là "không đủ".
Tuy nhiên, một số công ty nhìn thấy các dấu hiệu phục hồi dự kiến vào năm 2020, đặt hy vọng vào một thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc, dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm tới.
Mộc Miên (Theo DW)