Tại cuộc họp chiều ngày 28/9 giữa các hãng hàng không với ngân hàng, báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam tổng hợp nhu cầu cần hỗ trợ của các hãng hàng không cho thấy rất nhiều khó khăn về tài chính.
Cân đối dòng tiền bị phá vỡ, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất Việt Nam đã lên tới 36.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng Vietnam Airlines 20.000 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo này, nhu cầu tín dụng để trang trải các khoản nợ phải trả là: Vietnam Airlines cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi 10.000-12.000 tỷ để cân đối dòng tiền; Vietjet đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng trên 10.000 tỷ, Bamboo đề nghị được vay 5.000 tỷ theo hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng như đã áp dụng Vietnam Airlines và khoản tín dụng ưu đãi lãi suất thời gian 3-4 năm. Paciffic Airlines cũng cần vay 5.700 tỷ để phục hồi sản xuất, trong đó cần ngay trong năm 2021 và đầu năm 2022 ít nhất là 2.000 tỷ đồng; Vietravel đề nghị cho vay 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi và thời gian trả nợ dài hạn.
Tổng nhu cầu theo đề xuất của các hãng hàng không là trên 30.000 tỷ đồng.
Vừa qua, do giãn các xã hội, số chuyến bay giảm mạnh nên các hãng hàng không chưa tận dụng được việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không. Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không cũng đã đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế này và đề nghị giảm sâu hơn nữa, từ mức 30% hiiện nay lên 70%.
Từ khi dịch bệnh bùng phát, Nhà nước và ngành Ngân hàng đã có những hỗ trợ rất thiết thực cho các doanh nghiệp trong ngành hàng không, góp phần giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp trong ngành.
Cụ thể, nhà nước đã cho phép giảm bớt nhiều loại phí, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không, giúp các hãng hàng không có cơ hội giảm bớt chi phí để giảm giá, kích cầu giao thông hàng không.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, bên cạnh việc cơ cấu nợ, giảm lãi, phí, ngân hàng vẫn cấp tín dụng dù tình hình tài chính của doanh nghiệp hàng không khó khăn như: hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp hàng không, hệ sinh thái, chuỗi giá trị của ngành hàng không như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mặt đất, cấp nhiên liệu hàng không, dịch vụ… với số vốn 16.000 tỷ đồng.
Liên quan đến mặt bằng lãi suất, đại diện Vietcombank khẳng định mức vốn cho các doanh nghiệp hàng không vay rất thấp. Như lãi suất cả ngắn hạn và trung dài hạn cho vay đối với doanh nghiệp hàng không là không có margin, chênh lệch vô cùng thấp. Nếu tính các chi phí, trích lập dự phòng thì lãi suất cho vay đối với nhóm khách hàng này mang tính hỗ trợ là chủ yếu".
Chia sẻ với những khó khăn của các hãng hàng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định sẽ ưu tiên tạo điều kiện cho các hãng vay vốn ngân hàng. các ngân hàng thương mạnh chủ động cho vay ưu tiên.
Phó Thống đốc cũng cho biết thêm, việc cơ cấu lại nợ từ nay đến 30/6/2022 nếu tình hình diễn biến còn khó khăn thì sẽ tiếp điều chỉnh Thông tư 01, 03 và 14 để hỗ trợ ngành hàng không. Qua đó, ông đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động cho vay ưu tiên, giảm lãi suất cho các hãng hàng không cũng như mạnh dạn cho các hãng vay tín chấp.
Hiện tại, dư nợ ngành hàng không là khoảng 24.000 tỷ đồng, chủ yếu được vay với lãi suất ưu đãi 5%. Theo ông Đào Minh Tú, nếu cộng cả đề xuất cho vay thêm 30.000 tỷ đồng thì dư nợ sẽ "đội' lên 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này so với tổng dư nợ toàn nền kinh tế là gần 10 triệu tỷ đồng thì không phải là quá lớn.
Bạch Hiền (t/h)