(ĐSPL) - Về vụ hàng chục trẻ em trường mầm non Họa Mi ngộ độc phải nhập viện ở Vĩnh Long, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Vĩnh Long cho biết, đã xác định nguyên nhân ngộ độc là do nguồn nước uống của trẻ bị nhiễm vi sinh.
Thông tin trên báo Dân Trí, ngày 1/11, thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Vĩnh Long cho biết, đã xác định nguyên nhân ngộ độc khiến 102 trẻ mầm non có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy phải nhập viện là do nguồn nước uống của trẻ bị nhiễm vi sinh.
Cũng theo đó, Tuổi Trẻ cho biết thêm, ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kết hợp Trung tâm Y tế huyện Tam Bình đã điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu thực phẩm gửi lên Viện Y tế công cộng TP.HCM xét nghiệm để xác định thành phần gây ngộ độc.
Kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả các mẫu thức ăn âm tính, chỉ có mẫu nước uống của trẻ bị nhiễm vi sinh (Coliforms tổng cộng), trong đó mẫu nước uống trẻ lớp lá nhiễm Coliforms tổng cộng lên tới 7,2x104 CFU/250ml.
Mẫu nước uống của trẻ lớp nhóm lớn nhiễm Coliforms tổng cộng 3,7x104 CFU/250ml (theo quy định hàm lượng Coliforms tổng số bằng 0 vi khuẩn/100ml).
Đã xác định nguyên nhân ngộ độc là do nguồn nước uống của trẻ bị nhiễm vi sinh. Ảnh Dân Trí. |
Trước đó, Trí thức trẻ thông tin, ngày 19/10 một vụ nghi ngộ độc thực phẩm tập thể khiến 86 trẻ ở Trường mầm non Họa Mi (thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) phải nhập viện điều trị. Các cháu nhỏ có triệu chứng nôn ói là chính, 1 số có sốt nhẹ, 1 số có tiêu chảy.
Để rõ thêm thông tin, báo Dân Trí cho hay, thời điểm xảy ra vụ việc, Trường mầm non Họa Mi đón nhận 274 trẻ theo học và ăn tại trường, Trong đó, 102 trẻ có biểu hiện đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nhưng chỉ có 86 trẻ nhập viện điều trị. Cụ thể, trong buổi sáng ngày 19/10, các bé được nhà trường cho uống sữa milo; buổi trưa các em ăn cơm trắng với thịt bò xào dưa leo. Sau bữa ăn này, 1 số bé có triệu chứng nôn ói, tiêu chảy,… nên nhà trường phối hợp với phụ huynh đưa các bé đến bệnh viện huyện điều trị.
Đến 15h30 phút cùng ngày, các bé tiếp tục ăn xế bằng cơm trắng, thịt gà kho gừng, canh bí đỏ, canh rau ngót nấu tôm khô. Tuy nhiên, sau đó hàng loạt trẻ tiếp tục có triệu chứng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy phải nhập viện điều trị, 1 số bé nặng phải truyền dịch.
Riêng phần nước uống, 11 lớp của trường đều được đặt 1 bình nước lọc loại 20 lít. Nước này được lấy từ nguồn nước máy rồi qua xử lý (dạng lọc), sau đó nước được nấu chín rồi đổ vào bình cho các bé uống. Sau đó, tất cả mẫu thức ăn, mẫu nước đều được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Vĩnh Long lấy mẫu gửi đi phân tích và có kết quả như trên.
Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định, hướng dẫn tại Điều 317 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau: 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm; c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm; d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm: a) Phạm tội có tổ chức; b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%. đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; e) Phạm tội 02 lần trở lên; g) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm chết 02 người; b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
MỸ AN (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]sOvx7bUDJH[/mecloud]