+Aa-
    Zalo

    Hàng chục tấn cá lồng bè bất ngờ “phơi bụng”, người nuôi thắt ruột lo vỡ nợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hàng chục tấn cá nuôi lồng bè của người dân Hà Tĩnh bất ngờ chết phơi bụng sau đợt mưa lũ, không rõ nguyên nhân.

    Hàng chục tấn cá nuôi lồng bè của người dân Hà Tĩnh bất ngờ chết phơi bụng sau đợt mưa lũ, không rõ nguyên nhân. Người dân điêu đứng vì trong phút chốc, họ mất trắng đến hàng chục tỷ đồng.

    Hình ảnh cá chết hàng loạt tại các hộ nuôi lồng bè.

    Cá lồng bè đồng loạt chết

    Những ngày gần đây, các hộ nuôi cá lồng bè tại Hà Tĩnh gồm: Xã Thạch Sơn, Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà); Thạch Hưng (TP.Hà Tĩnh); Cẩm Phúc (huyện Cẩm Xuyên) bất ngờ xuất hiện tình trạng cá chết phơi bụng. Số lượng cá chết lớn, chưa rõ nguyên nhân khiến những hộ nuôi lo lắng. Ông Nguyễn Tiến Lục, trú thôn Song Hải, xã Thạch Sơn cho biết: “Nhà tôi có 2 lồng, cá chết không còn một con. Chúng tôi cố vớt để mong cứu được một ít, nhưng cá chết nhanh không kịp trở tay. Số lượng cá lớn gia đình tôi nuôi được 2 - 3 năm, nặng 3 kg/con, giá thị trường dao động 150.000 - 170.000 đồng/kg. Gia đình tôi dự định sẽ đến dịp Tết Nguyên đán này xuất bán như thế này coi như là mất trắng”. 

    Không riêng hộ ông Lục, cá chẽm trong 7 lồng nuôi của 16 hộ dân thôn Tiến Hưng, xã Thạch Hưng, TP.Hà Tĩnh cũng bị chết trắng không rõ nguyên nhân. Là hộ nuôi nhiều nhất ở trong xã, ông Lưu Văn Sum (trú thôn Tiến Hưng) cho hay, gia đình ông hiện có 2.000 con cá chẽm đang đến kỳ thu hoạch. Những lồng cá này được nuôi cách đây 2 năm, thậm chí có lồng gần 4 năm. Theo ước tính của ông Sum, hiện, trung bình mỗi con đã hơn 1kg, có lứa 3 - 4kg. “Công sức bao nhiêu năm chăm bẵm, vốn liếng đổ dồn vào đó hết, chúng tôi dự định cuối năm sẽ thu hoạch nhưng nay mất trắng với thiệt hại khoảng 300 triệu đồng” ông Sum buồn bã nói.

    Theo số liệu thống kê từ chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, tính tới sáng ngày 11/9, cả 3 vùng nuôi cá chẽm lồng bè trên địa bàn có hiện tượng cá chết hàng loạt, gồm xã Thạch Sơn, Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà); xã Thạch Hưng (TP. Hà Tĩnh) và xã Cẩm Phúc (huyện Cẩm Xuyên). Trong đó, 54 hộ bị thiệt hại ở xã Thạch Sơn. Sản lượng thiệt hại khoảng 100 tấn, giá trị thiệt hại ước tính trên 12 tỷ đồng. Tại xã Thạch Đỉnh, có 8 hộ thiệt hại với số cá chết ước tính khoảng 4 - 4,5 tấn, giá trị thiệt hại khoảng 450 - 500 triệu đồng. Ở xã Thạch Hưng (TP. Hà Tĩnh) có 15 hộ có cá bị chết, với số lượng 12 tấn, còn tại xã Cẩm Phúc (huyện Cẩm Xuyên) có 9 hộ, số cá chết là 10 tấn. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện này còn còn phát hiện thêm một số cá tự nhiên trên sông cũng bị chết hàng loạt như: Cá lệch, cáy, cá bống...

    Nguyên nhân do đâu?

    Ngay sau khi cá nuôi lồng bè ở 3 vùng nuôi tại Hà Tĩnh bất ngờ chết hàng loạt, các ngành chức năng tỉnh này đã trực tiếp xuống kiểm tra, lấy mẫu cá, mẫu nước gửi tổng cục Thủy sản và Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc hỗ trợ phân tích để sớm tìm ra nguyên nhân. Theo ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có tổng diện tích nuôi cá lồng bè là 229 lồng, nằm rải rác ở vùng ven sông các địa phương. Mặc dù các ngành chức năng đang lấy mẫu nước, mẫu cá để phân tích và chưa có kết quả nhưng theo đánh giá chuyên môn, hiện tượng cá chết hàng loạt có thể là do mưa lũ, nước bị ngọt hóa nhanh khiến cho môi trường thay đổi đột ngột, cá bị sốc nước.

    Ông Hoàng cho hay, thời điểm gần đây mưa lũ, diễn biến phức tạp, mưa to kết hợp với các hồ chứa và công trình thuỷ điện xả lũ dẫn đến ngập lụt ở các khu vực hạ lưu, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất nuôi trồng thuỷ sản. Để phòng chống, hạn chế thiệt hại và khắc phục hậu quả do mưa lũ cho thuỷ sản nuôi, Chi cục Thuỷ sản đã có công văn đề nghị các địa phương có diện tích nuôi cá lồng thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả. Trong đó, chú trọng việc thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm; kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây hư hỏng lồng.

    Với trường hợp không di chuyển được lồng, cần hạ lồng xuống thấp để giảm bớt sóng gió; che chắn mặt lồng bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp sao cho không đề thuỷ sản nuôi lọt ra ngoài khi có thiên tai; thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi (3 - 5kg) trước dòng chảy để phòng bệnh cho thuỷ sản.

    Trước hiện tượng trên, ông Nguyễn Công Hoàng cho biết: “Khi chưa có kết quả xét nghiệm chính thức, Chi cục Thủy sản khuyến cáo người dân tuyệt đối không vứt cá chết ra ngoài môi trường, không được bán cá chết và không dùng cá chết làm thức ăn cho người và động vật”,

    Ngân Hà

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 147

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hang-chuc-tan-ca-long-be-bat-ngo-phoi-bung-nguoi-nuoi-that-ruot-lo-vo-no-a292759.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan