Một tìm kiếm với các hashtag như #pro-ana trên trang mạng xã hội Twitter đã cho kết quả về hàng loạt bài đăng của các cô gái trẻ thông tìm kiếm những người bạn "thân" và "cùng chung chí hướng" để giảm cân.
Trong đó, pro-ana là sự kết hợp của tiền tố "pro-", nghĩa là ủng hộ hoặc tán thành, còn "ana" là viết tắt của chứng biếng ăn, xảy ra khi một người tự bỏ đói bản thân do lo ngại tăng cân đến mức bị rối loạn ăn uống và ảnh hưởng tới tính mạng.
Một bài đăng được đăng tải lên Twitter trong đầu này 20/1 kèm hình ảnh một cô gái trẻ Hàn Quốc có nội dung: "Tôi rất thấp, chiều cao chỉ khoảng 158 (cm) nhưng nặng 44,4 (kg). Tôi sẽ giảm xuống còn 41,4 (kg) trong vòng một tuần, hoặc tự sát".
Ngoài ra, một bài đăng khác được một nữ sinh đăng tải ngày 17/1 thì viết: "Cần tìm những nười bạn proana trong kỳ nghỉ sắp tới. Tôi đã tìm hiểu về proana một thời gian và giờ tôi mở một tài khoản Twitter để làm việc này".
Một số bài đăng khác bao gồm hình ảnh chụp màn hình của ứng dụng nhịn ăn trên thiết bị di động, làm bằng chứng về chế độ giảm cân của một người.
Trên Youtube, nhiều thanh thiếu niên Hàn Quốc khác cũng chia sẻ việc họ cố gắng móc họng để nôn nhằm giảm bớt cân nặng.
Các nhóm trực tuyến về pro-ana cũng có trong các phòng trò chuyện mở trên ứng dụng KakaoTalk, ứng dụng nhắn tin của Hàn Quốc. Các thành viên trong nhóm thường rủ nhau nhịn ăn hoặc chia sẻ hình ảnh của những người mẫu siêu gầy để tạo động lực cho bản thân.
Đáng nói, đây không phải một trào lưu mới xuất hiện và trào lưu này không chỉ bị giới hạn ở Hàn Quốc. Tại Mỹ, trong những năm qua, truyền thông cũng đã nhiều lần báo cáo về các hiểm hoạ từ trào lưu nhịn ăn giảm cân.
Tuy nhiên, xu hướng này đang ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc hiện nay.
Ở Hàn Quốc, xu hướng này dường như đã bắt đầu phổ biến trong giới trẻ với sự gia tăng của mạng xã hội. Bà Ko Jung-kyung, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Rối loạn Ăn uống và Sức khỏe Tâm thần của Đại học Inje, nhận định: "Việc các cô gái trẻ tiếp xúc với các nội dung truyền thông hướng đến ngoại hình đã dần tăng lên cùng với sự gia tăng nhanh chóng của mạng xã hội. Vì xem những hình ảnh gầy gò trên truyền thông là lý tưởng, họ cho rằng việc cổ vũ chứng rối loạn ăn uống là một trong những phương pháp để tự phát triển bản thân".
Minh Hạnh (Theo Korea Herald)