Yonhap News dẫn các nguồn tin cho biết, các bệnh viện đa khoa lớn tại Hàn Quốc đã yêu cầu chính phủ mở rộng các khoản vay lãi suất thấp cho họ. Lý do là bởi cuộc đình công kéo dài của các bác sĩ thực tập đã làm gián đoạn hoạt động của họ, gây thâm hụt hàng tỷ won mỗi ngày.
Cuộc đình công kéo dài hơn 3 tuần đã khiến 5 bệnh viện đa khoa lớn ở Hàn Quôc, bao gồm Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và Trung tâm Y tế Asan, mỗi ngày phải chịu thiệt hại hàng tỷ won.
Theo giới y tế, doanh thu của cả Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul và Trung tâm Y tế Asan đều sụt giảm khoảng 1 tỷ won (tương đương 751.868 USD) mỗi ngày do cuộc đình công này. Gần đây, Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul đã tăng gấp đôi quy mô hạn mức tín dụng ngân hàng của đơn vị lên 100 tỷ won.
Trong khi đó, các bệnh viện đa khoa tư nhân vốn gặp khó khăn cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính phủ Hàn Quốc. “Chúng tôi đã nhận được đề xuất từ một số bệnh viện đại học tư nhân về việc mở rộng chương trình cho vay của chính phủ đối với các trường đại học tư”, một quan chức của Bộ Giáo dục Hàn Quốc chia sẻ.
Được biết, Quỹ Phát triển Trường học Hàn Quốc của Bộ Giáo dục hiện đang quản lý chương trình cho vay trị giá 60 tỷ won nhằm tài trợ cho các dự án xây dựng hoặc mua cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện đại học tư nhân. Lãi suất hàng năm của chương trình này là 2,67%, thấp hơn nhiều so với mức lãi suất thị trường (khoảng 5,22%).
Tuy nhiên, theo vị quan chức của Bộ Giáo dục, yêu cầu của các bệnh viện không thể được chấp thuận ngay lập tức do liên quan đến vấn để ngân sách, vốn cần phải trao đổi với Bộ Tài chính Hàn Quốc.
Trong nỗ lực chống lại sự sụt giảm doanh thu, một số bệnh viện đa khoa trên cả nước đã đề ra các chương trình nghỉ phép không lương, chấp nhận đơn xin việc từ các nhân viên không phải bác sĩ, chẳng hạn như y tá, nhân viên thuộc bộ phận hành chính hoặc kỹ thuật của đơn vị.
Các bệnh viện lớn khác cũng buộc giảm bớt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách hợp nhất các khoa riêng biệt hoặc thu hẹp quy mô hoạt động của các khoa.
Trong diễn biến liên quan, theo Yonhap News, một nhóm giáo sư y khoa ở Hàn Quốc ngày 16/3 cho biết các giáo sư y khoa trên cả nước đã quyết định bắt đầu nộp đơn từ chức từ ngày 25/3, trong hành động tập thể nhằm tạo áp lực buộc chính phủ tìm kiếm một bước đột phá cho cuộc đình công kéo dài của các bác sĩ thực tập.
Tuy nhiên, các giáo sư y khoa cam kết sẽ tiếp tục điều trị cho bệnh nhân ngay cả khi từ chức, trong bối cảnh hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập của Hàn Quốc nghỉ việc kể từ tháng 2/2024 để phản đối quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y lên 2.000 của chính phủ.
Quyết định về thời điểm bắt đầu nộp đơn từ chức được đưa ra tại một cuộc họp do các giáo sư y khoa từ 20 trường đại học tổ chức vào cuối ngày 15/3. Được biết, Hàn Quốc có tổng cộng 40 trường y.
Theo ông Bang Jae-seung - người đứng đầu Ủy ban khẩn cấp của các giáo sư y khoa, phần lớn giáo sư tại 16 trường y đều quyết định từ chức, trong khi 4 trường còn lại đang lấy ý kiến về việc có nên tham gia hay không.
“Quyết định nói trên không có nghĩa là chúng tôi đang bỏ rơi bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu tình hình hiện tại vẫn tiếp diễn thì sẽ có những thiệt hại không thể khắc phục đối với sức khỏe cộng đồng”, ông Bang Jae-seung nói.
Cũng theo ông Bang Jae-sung, các giáo sư y khoa sẽ cố gắng hết sức trong việc điều trị cho bệnh nhân cho tới khi quá trình từ chức của họ hoàn tất.
Ông Bang Jae-seung bày tỏ: “Chúng tôi nộp đơn từ chức để ngăn chặn sự sụp đổ y tế vì chúng tôi cho rằng chỉ có thể đạt được thỏa thuận sau khi chính phủ rút lại kế hoạch tăng số lượng tuyển sinh lên 2.000”.
Kể từ đầu tuần này, các giáo sư y khoa ở Hàn Quốc cho biết sẽ nộp đơn từ chức hàng loạt nếu chính phủ không tìm ra bước đột phá trong cuộc đình công kéo dài. Trước khi nộp đơn từ chức, họ có kế hoạch tổ chức một cuộc họp vào 22/3 để xem xét diễn biến sự việc.
Đáng chú ý, ngày 25/3 cũng là hạn chót để các bác sĩ thực tập đưa ra ý kiến về việc đình chỉ giấy phép. Chính phủ Hàn Quốc trước đó đã gửi thông báo trước về việc đình chỉ giấy phép cho khoảng 5.000 bác sĩ thực tập từ chối tuần theo lệnh quay trở lại làm việc.
Đinh Kim(Theo Yonhap News)