(ĐSPL) - Đôi khi những câu chữ trong "bút phê" tưởng như hết sức chung chung, song giá trị quyền lực của nó thì không gì đo đếm được.
Nhờ "bút phê", có khi những việc tưởng như bế tắc sẽ được giải quyết nhanh chóng, theo đó, lợi ích vật chất của những cá nhân liên quan sẽ có sự thay đổi ngược chiều khó đoán.
Điều lo ngại nhất mà các chuyên gia khi được phỏng vấn đều cho rằng, hiện tượng này không chỉ lũng đoạn trong môi trường Nhà nước mà nó khoét sâu sự bất bình đẳng trong xã hội và cổ vũ cho văn hóa xu nịnh. Vấn nạn này không chỉ dung túng cho tệ tham nhũng, nhũng nhiễu trong cơ quan công quyền mà nó như một công cụ đào sâu mâu thuẫn trong xã hội. Đây là nguyên nhân phát sinh các bất bình đẳng trong xã hội. Nó có thể làm thay đổi cục diện tình hình, biến người thua thành người thắng, biến bên có năng lực vững mạnh trở thành bên yếu thế và ngược lại.
"Bút phê" có thể là một trong những công cụ để đảm bảo lợi ích nhóm. Đó là lợi ích mà họ có được nhờ vào những "phi vụ" nhạy cảm, thiếu minh bạch.
Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, hạn chế tiêu cực, đặc biệt là lợi ích nhóm, nhiều ý kiến được đưa ra là Nhà nước cần sớm có quy định siết chặt việc sử dụng "bút phê" bằng việc nói rõ khi nào được "bút phê", khi nào không.
Bàn về vấn đề này, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ĐBQH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho biết: "Hiện Chính phủ đang giao Bộ Tư pháp xây dựng Luật Quyết định hành chính, luật về Ban hành các quyết định hành chính nên sau này sẽ có những nội dung quy định về soạn thảo, trình, ký nháy, ký tắt... Việc luật hóa "bút phê" để các thủ tục hành chính tuân thủ đầy đủ những quy định pháp luật cũng để dễ quy trách nhiệm đối với cá nhân liên quan và góp phần hạn chế nạn "bút phê" không minh bạch là cần thiết".
ĐBQH Đinh Xuân Thảo. |
Mổ xẻ nguyên nhân cũng như hậu họa từ "quyền lực ngầm" của "bút phê", ở một góc nhìn khác, PGS.TS.Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, "bút phê" là biểu hiện một phần văn hóa của người Việt. Đó là thói xu nịnh cấp trên, coi mỗi lời lãnh đạo nói ra, viết ra như "khuôn vàng thước ngọc" nên phải tuyệt đối tuân thủ nhằm tranh thủ cảm tình, cầu lợi cho bản thân. Nó còn thể hiện tính cả nể, câu kết phe nhóm vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Điều đó thể hiện ở việc khi nhận được "bút phê" của cấp trên, cấp dưới thường căn cứ vào khẩu khí của "sếp" để đoán ý tứ, từ đó quyết định ủng hộ đến đâu.
Không ít cá nhân coi "bút phê" là trên hết, không quan tâm đến quy định của pháp luật, điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật mà còn gây thiệt hại về kinh tế cho một số cá nhân và cho Nhà nước.
Bút phê không có giá trị pháp lý
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hà Nội cho rằng: "Trong hành chính, bút phê được sử dụng rất phổ biến và chỉ là thông lệ làm việc, giải quyết công việc chứ không có giá trị pháp lý. Bút phê cũng không được quy định trong văn bản pháp luật. Những văn bản, nội dung quan trọng bao giờ cũng cần xin ý kiến của cấp có thẩm quyền. Lãnh đạo đơn vị sẽ cho ý kiến vào văn bản đó thì được gọi là "bút phê".
Tuy nhiên, không phải chỉ người ký văn bản mới phải chịu trách nhiệm về nội dung văn bản đó, mà trong từng trường hợp, người bút phê vẫn phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm pháp luật. Trên thực tế như "luật bất thành văn" có những bút phê theo hướng tiêu cực, theo ý kiến chủ quan của lãnh đạo cấp có thẩm quyền. Để đánh giá được giá trị bút phê đó như thế nào, có đúng theo hướng chỉ đạo thông thường hay không, hay có dấu hiệu tiêu cực, lạm dụng thì phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể mới đánh giá được".