(ĐSPL) - Để được bề trên che chở, trước khi đi trộm hai vợ chồng Thọ dắt nhau vào chùa chùa Diệu Pháp nằm trên P.13, Q.Bình Thạnh để “cầu xin”.
Theo báo Trí thức trẻ, ngày 5/1, Công an Q. Bình Thạnh, TP.HCM cho biết vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Trần Đăng Thọ (48 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) để điều tra về hành vi "Trộm cắp tài sản". Do vợ của Thọ là Phạm Thị Bình (38 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) có giấy xác nhận tâm thần nên Công an đang lập hồ sơ xử lý sau.
Đối tượng Trần Đăng Thọ tại cơ quan công an - Ảnh: báo Công an TP. HCM |
Báo Công an TP. HCM thông tin, Thọ bàn với vợ của mình là Phạm Thị Bình đi vào các cửa hàng dàn cảnh để ra tay trộm cắp tài sản. Theo kế hoạch được vạch ra, khi thấy cửa nàng nào chỉ có một người trông coi chúng sẽ vào giả vờ mua hàng. Bình sẽ đến nói chuyện nhằm thu hút sự chú ý của người nhân viên này để chồng ra tay trộm những tài sản giá trị bán lấy tiền tiêu xài.
Khi kế hoạch đã được hai vợ chồng thống nhất kỹ lưỡng, Thọ chở vợ trên chiếc xe wave BKS 59F1-457.70 đi “ăn hàng”. Trước khi quyết định ra tay hành sự, để yên tâm hơn nên hai vợ chồng này dắt nhau vào chùa Diệu Pháp nằm trên P.13, Q.Bình Thạnh “cầu xin”. Sau đó, hai vợ chồng đến cửa hàng bán quần áo số 440 đường Nơ Trang Long (P.13, Q. Bình Thạnh) giả vờ mua quần áo. Theo đúng kế hoạch, Bình giả vờ hỏi thử hàng để lôi kéo nhân viên, còn Thọ nhanh tay lấy trộm chiếc điện thoại hiệu Samsung J7 để trong ngăn bàn.
Tuy nhiên, hành vi của hắn đã bị người nhân viên cửa hàng phát hiện kịp thời, truy hô cùng người dân xung quanh bắt giữ đối tượng giao nộp công an. Tại cơ quan công an, cả hai khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Hiện vụ án đang được điều tra làm rõ.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)