VTV đưa tin, ngày 22/12, đoàn công tác Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc đến giám sát, đánh giá các yếu tố liên quan đến 2 trường hợp trẻ em tử vong tại xóm Bản Oóng, xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc.
Hai trường hợp tử vong là bé M.V.L (4 tuổi) và M.T.X (3 tuổi), ở xóm Bản Oóng, xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc, khoảng 8h ngày 18/12, có 4 trẻ trú tại địa chỉ trên gồm hai chị em bé L. và hai chị em bé X. Các cháu rủ nhau ra sau nhà đào hố đất để chơi, sau đó có 2 cháu là L. và X. hái lá về ăn (không rõ loại lá gì).
Sau ăn khoảng 1 giờ, các cháu quay về nhà em M.T.X. chơi đến khoảng 10h40 cùng ngày các cháu thấy M.V.L. bất tỉnh, gọi hỏi không trả lời (cháu đã tử vong).
Đến khoảng 12h cùng ngày, cháu M.T.X. nằm ngủ lì được mẹ bế lên nhà cháu M.V.L. và tử vong lúc 13h cùng ngày. Còn hai cháu M.T.S. và M.T.M. không ăn loại lá đó, hiện tại sức khỏe cả 2 đều bình thường.
Đoàn công tác đã đến kiểm tra, giám sát tại gia đình, xung quanh nhà và địa điểm các trẻ ra chơi. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy: việc ăn, uống và sinh hoạt tại gia đình đều bình thường, tương đối sạch sẽ, không có tình trạng xả rác mất vệ sinh.
Tại điểm các trẻ chơi: xung quanh có nhiều cây là ngón, trong khoảng đất có 1 hố nhỏ, người nhà cho biết đó là cái hố mà các cháu đã đào chơi hôm xảy ra sự việc, phía trên miệng hố có 1 cành lá ngón đã khô lá.
Kết quả cho thấy việc ăn, uống và sinh hoạt tại gia đình đều bình thường. Tại điểm các trẻ chơi, các bác sĩ phát hiện xung quanh có nhiều cây lá ngón, trong khoảng đất có 1 hố nhỏ. Người nhà cho biết đó là hố mà các cháu đã đào hôm xảy ra sự việc, phía trên miệng hố có 1 cành lá ngón đã khô.
Sau khi kiểm tra, đoàn công tác đã vận động gia đình đào và tiêu hủy ngay các gốc cây lá ngón có sẵn trong khu vực sau nhà, nơi mà trẻ thường xuyên chơi.
Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo cán bộ xóm, các tổ chức đoàn thể phối hợp với Trạm Y tế xã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống ngộ độc lá ngón và các yếu tố có độc tố tự nhiên khác như: nấm dại, cây, củ, quả dại... để người dân biết cách phòng tránh cho bản thân cũng như gia đình.
Cách đây không lâu, Vnexpress đưa tin, biết hai học sinh lớp 8 tại Sơn La, trong giờ nghỉ trưa 7/12 đã lên đồi phía sau trường chơi và ăn nhầm lá ngón.
Sau khi ăn, các em có biểu hiện bất thường gồm đau đầu, chóng mặt, được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Sốp Cộp, cấp cứu theo phác đồ ngộ độc, truyền dịch, hồi sức.
Tuy nhiên, do chất độc trong lá ngón được cơ thể hấp thụ nhanh, một em đã không qua khỏi, hôm 8/12. Em còn lại không nguy hiểm tính mạng, dự kiến có thể xuất viện ngày mai.
Được biết, lá ngón được coi là một trong bốn loại cây có độc tính cao nhất (thuộc độc bảng A), chứa chất kịch độc gây chết người là hoạt chất Alkaloid. Lá ngón rất giống nhiều cây thuốc, rau ăn được nên dễ gây nhầm lẫn.
Người ngộ độc lá ngón có nhiều triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, yếu mệt, cơ tay chân khó vận động. Trường hợp nặng có thể liệt cơ hoàn toàn, thở yếu dẫn đến suy hô hấp, nhịp tim chậm, huyết áp tụt, ngừng tim, co giật.
Bác sĩ khuyến cáo người dân hết sức cẩn trọng khi hái các loại cây rừng làm thuốc hoặc dùng làm thực phẩm.
Khi phát hiện người bị ngộ độc lá ngón, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp gây nôn, sau đó chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch, điều trị giải độc, tránh những biến chứng nặng nề, nguy cơ tử vong.
Phương Linh (T/h)