Từ lâu hài Tết trở thành “món ăn tinh thần” của nhiều người dân Việt mỗi độ xuân về. Thế nhưng, mấy năm gần đây nhiều bộ phim hài Tết bị ví là "rẻ tiền", thiếu thẩm mỹ.
Vì sao nhiều bộ phim hài Tết bị “tẩy chay”?
Dịp Tết Nguyên Đán là thời gian để tất cả mọi người nghỉ ngơi, thư giãn, điều này dẫn đến nhu cầu giải trí trong dịp này cao. Chính vì thế hài Tết trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của nhiều người dân Việt. Dù là “ăn Tết” hay “chơi Tết” đây cũng là ngày lễ lớn nhất trong năm, thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt.
Hiện nay, khán giả không chỉ “bội thực” vì quá nhiều bộ phim điện ảnh được mệnh danh là hài Tết nhưng có những tình huống hài phản cảm, diễn viên khoe thân, thậm chí có những cảnh mà khán giả phải thốt lên “giống phim khiêu dâm” đang tràn lan trên thị trường.
Không chỉ khán giả, mà những diễn viên gạo cội trong hài Tết như diễn viên Hồng Giang (Giang Còi) cũng lên tiếng chỉ trích: “Khoe thân một cách bừa bãi như trong các phim hài Tết hiện nay các cô gái trở thành trơ trẽn, lố bịch, phản cảm”.
Quả thực, chưa bao giờ khán giả lại cảm thấy bội thực với sự tràn lan của những phim gắn mác là hài Tết nhưng thô tục, vô văn hoá được phát trên Youtube như hiện nay. Nhiều người bực bội khi xem bởi, đây không hề giống phim hài mà như phim khiêu dâm rẻ tiền được thực hiện một cách cẩu thả, bừa bãi và dễ dãi.
Tất cả các phim đều chung một mô – típ: Nhân vật nam bất tài vô dụng, chỉ thích trò chim chuột; nhân vật nữ lăng loàn, mồm mép chua ngoa, suốt ngày chỉ biết chửi chồng; những cô gái trẻ ăn mặc lố lăng, thiếu vải, ham tiền, ham danh.
Những gã đàn ông lợi dụng mọi cơ hội để sàm sỡ, cười hô hố bình luận cơ thể phụ nữ bằng những từ thô bỉ nhất có thể. Những bà vợ ở nhà nhảy dựng lên chửi đổng, đi đánh ghen, xé áo tình địch. Những cô gái trẻ ra sức phô hết những chỗ gợi cảm của cơ thể để có được vài đồng tiền lẻ hay cái áo mới.
Thế nhưng, khi bị chỉ trích vì đóng phim gợi cảm, dung tục, thậm chí mang yếu tố khiêu dâm, họ còn lớn tiếng khuyên khán giả, hãy bỏ qua những tiểu tiết nhỏ để tập trung vào nội dung phim, đó là sự phê phán, đả kích.
Nhưng trên thực tế, đâu có cái kiểu dùng những hành động khiêu dâm để lên án sự thiếu chung thủy của người đàn ông, dùng những lời lẽ vô văn hóa để nói về những tệ nạn xã hội? Xem phim hài Tết, khán giả chỉ thấy một xã hội toàn những kẻ xấu xa, phát điên loạn vì tình, vì tiền, bất chấp lề lối văn hóa, đạo đức.
Sự đầu độc ngấm ngầm của hài Tết nhảm
Tác phẩm hài là một sản phẩm văn hóa, nhằm đem lại tiếng cười, góp phần tạo sự vui tươi, lan truyền cảm hứng hạnh phúc. Diễn hài cũng là làm nghệ thuật nhằm kích thích tư duy, cảm xúc, niềm tin, hay ý tưởng của một người thông qua giác quan, được diễn dịch dựa trên những hình ảnh hay vật thể. Chính vì thế nếu là hài “nhảm” thì đã góp phần trực tiếp vào sự xuống cấp đạo đức xã hội.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, diễn viên Giang Còi nhận định: “Sự đầu độc thẩm mỹ không chỉ gây ra cái chết bất ngờ, mà lâu ngày có thể biến con người trở nên lệch lạc”.
Quả thực đúng như vậy. Những cảnh phim không khác gì một bộ phim cấp 3 tràn lan trên web đen như cho tay vào quần, sờ mó “hot girl” thiếu vải, dùng những ngôn từ biến thái để câu khách, liệu các ông/bà đạo diễn, diễn viên có dám mang về cho con cháu xem không, hay chỉ vì tiền của mấy hãng thạch, mấy hãng vật liệu xây dựng kia mà bất chấp đạo đức làm ra thứ rẻ tiền cho con cháu thiên hạ xem?
Con trẻ bắt chước những vần vè tục tĩu chim chuột nhau đến mức người lớn nghe thấy phải xấu hổ bắt nguồn từ phim hài của các ông/bà chứ từ đâu ra?
Những cảnh gợi mở dẫn đến việc tìm kiếm web phim cấp 3 xem gợi mở, khiến một bộ phận trẻ bị sa đà phim đen.
Mặt khác, hình ảnh, bối cảnh, trang phục xưa được xây dựng trong hài Tết không đúng với thuần phong mỹ tục vốn có của người Việt. Điều này không chỉ gây cho người xem sự khó chịu mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh con người Việt chân chất, thuần khiết từ nghìn năm văn hiến.
Đặt ở địa vị ở một người “hiểu biết” khi xem hài “nhảm” mà bối cảnh là xây dựng cuộc sống, con người nông thôn Việt xưa, thì sẽ thấy đó là “kệch cỡm”, là “lố”, là “sai sự thật”. Nhưng ở địa vị một người “chưa hiểu” hay người ngoại quốc, sẽ đánh giá người Việt như thế nào?
Không những thế, hài “bẩn” còn đầu độc thẩm mỹ công chúng, đặc biệt là giới trẻ một cách từ từ, dần dần mà chính họ cũng không nhận ra. Sự đầu độc thẩm mỹ không gây ra cái chết bất ngờ mà lâu ngày có thể biến con người trở nên lệch lạc.
Những tác phẩm này được đăng lên mạng xã hội. Nó tiếp cận công chúng hàng ngày, hàng giờ, hàng năm và âm thầm quét sạch mọi giá trị về cái đẹp, biến tâm hồn không chỉ một vài người mà hàng chục triệu người, không phải ở một thế hệ mà vài thế hệ trở nên méo mó.
Nguyên nhân hài Tết “nhảm” nở rộ
Những bộ phim gắn mác hài Tết, thực chất là những thứ “rác rưởi”, vô văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều, khiến dư luận chỉ trích dữ dội, thậm chí các chính trị gia, nhà quản lý đã phải lên tiếng mạnh mẽ trong hội nghị tổng kết của Bộ VHTT&DL mới đây.
Tuy nhiên, điều đáng nói là chính những diễn viên, nhà sản xuất lại không cảm thấy xấu hổ khi làm ra những thứ rẻ tiền đó, không thấy nhục nhã khi nhận phải sự phản đối dữ dội đó.
Ngược lại, họ lại càng thích thú, càng cố tình tung ra những chi tiết phản cảm, khoe thân để cho công chúng, truyền thông lên án. Bởi lẽ, với cái nội dung phim thô tục, với dàn diễn viên chỉ biết tung ra những lời bậy bạ rồi cười hô hố với nhau, những thứ gắn mác phim hài này làm sao mà tạo được dấu ấn?
Vì thế, họ phải cố tình đưa vào những chi tiết phản cảm để truyền thông chỉ trích. Với họ, càng bị chửi nghĩa là phim càng “hot”.
Những cô gái trẻ đẹp thì thèm khát sự "nổi tiếng". Họ làm tất cả để có thể tạo được sự chú ý, kể cả khoe thân nơi công cộng. Người nghệ sĩ có khi làm việc cật lực cả chục năm có khi chả ai biết đến, nhưng một cô gái nào đó tự dưng cởi áo ngoài đường sáng hôm sau có khi lại được cả chục triệu người biết mặt gọi tên.
Để tình trạng phim hài Tết “nhảm” nở rộ như hiện nay một phần xuất phát từ sự nhu nhược của cơ quan quản lý. Họ không quyết liệt xử lý những tiêu cực. Mặt khác họ cũng khó can thiệp khi những quy định về pháp luật của chúng ta chưa được chặt chẽ. Hội đồng duyệt phim có những tiêu chí để xét duyệt các tác phẩm phim ảnh nhưng rất khó áp dụng.
Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý, nhà sản xuất… cần đưa ra những giải pháp để hạn chế hài “nhảm” nói chung và hài Tết “nhảm” nói riêng. Không thể cứ để hài “bẩn” đầu độc tâm hồn Việt.
Ngân Hà (t/h)