(ĐSPL) - Hàng chục năm nay, đĩa hài Tết đã trở thành “món ăn” tinh thần được yêu thích trong mỗi gia đình vào mỗi dịp Tết đến xuân về.
Chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm các nhà sản xuất rầm rộ quảng bá cho đĩa hài và úp mở về “đứa con tinh thần” của mình. Nhưng cả chục năm qua, hài Tết cũng chưa để lại ấn tượng gì trong lòng khán giả, thậm chí, có những đĩa hài khán giả chỉ xem một lần, rồi thôi. Phóng viên đã đem những thắc mắc này đến gặp đạo diễn trẻ Phạm Đức Dũng và lắng nghe những chia sẻ của anh.
Đạo diễn trẻ Phạm Đức Dũng. |
“Cảnh nóng hay đấm đá không có gì là xấu”
Cứ vào mỗi dịp cuối năm, thị trường phim Tết lại trở nên nhộn nhịp với những dự án từ truyền hình đến phim nhựa nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của đông đảo công chúng. Nhiều phim hài Tết bị chỉ trích vì có nhiều cảnh nóng và đánh đấm, ý kiến của anh về vấn đề này như thế nào?
Tôi nghĩ không chỉ phim hài Tết có “cảnh nóng” hay đấm đá, hầu như các phim điện ảnh khác cũng đều có cả. Đây là những tình tiết có trong cuộc sống và đều được sử dụng trong các nội dung của các thể loại phim từ chính kịch đến phim hài. Tôi cho rằng, bản chất của “cảnh nóng” hay đấm đá không có gì là xấu, vì vậy trong phim hài Tết việc sử dụng “cảnh nóng” hay đấm đá là chuyện của ngôn ngữ hình ảnh.
Như vậy là anh khuyến khích việc đưa những yếu tố này vào phim trong dịp Tết?
Bản thân tôi không lạm dụng điều đó trong phim hài Tết của mình (phim Khóc hay cười – PV). Dù trong phim cũng có cảnh một nhân vật bị đánh, nhưng đó là tình tiết sự việc trong kịch bản và đó là tình tiết nghệ thuật. Tôi cho rằng người đạo diễn phải biết sắp xếp thế nào cho hợp lý cảnh quay sao cho “cảnh nóng” và cảnh đấm đá đó trở thành nghệ thuật, cảnh quay đó rất đắt. Phim hài Tết, theo tôi, nếu sử dụng tốt cảnh đấm đá và “cảnh nóng” một cách hợp lý, những cảnh đó sẽ trở nên nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì rất đáng để dùng, đáng được đưa đến cho khán giả. Tuy nhiên, cũng phải nói, có rất nhiều phim đã lạm dụng cảnh đánh đấm và “cảnh nóng” mà gây nên những phản cảm...
Anh có nghĩ rằng “cảnh nóng” và đánh đấm để đưa vào phim giống như con dao hai lưỡi?
Theo tôi, đúng là cũng có lợi và có hại. Có lợi là khi sử dụng phù hợp, sẽ tạo hiệu ứng cao. Những cảnh đấm đá hay “cảnh nóng” được đưa vào đúng lúc, đúng chỗ sẽ cuốn hút người xem. Điều này đặt ra một bài toán cho các đạo diễn phải nâng lên đặt xuống thế nào cho phù hợp. Còn cái hại là khi lạm dụng đấm đá hay “cảnh nóng” không đúng lúc đúng chỗ, sẽ phản cảm. Phim hài Tết cũng là một tác phẩm nghệ thuật, nó phản ánh tính nghệ thuật và hàm chứa tính giáo dục. Việc sử dụng đấm đá và “cảnh nóng” không đúng chỗ sẽ giết chết tính giáo dục của tác phẩm và đem lại hiệu ứng xấu.
Theo anh, đâu là yếu tố không thể thiếu của phim Tết?
Hài chính là một yếu tố không thể thiếu. Yếu tố hài hước sẽ khiến mọi vấn đề được truyền tải một cách sống động và không bị khô cứng. Khán giả cũng dễ tiếp nhận thể loại phim hài hơn các thể loại khác.
Anh có nghĩ, vì sự dễ tính của khán giả đối với thể loại phim hài mà thường các tác phẩm phục vụ Tết đều chỉ chọc cười khán giả một lần rồi thôi?
Không có bộ phim nào dễ dãi cả và bạn cũng đừng cho rằng, khán giả Việt dễ dãi. Mỗi bộ phim đến với khán giả là một công trình nghệ thuật và khán giả Việt là những người biết thưởng thức. Từ cô bán rau đến những chú xe ôm đều là những khán giả khó tính. Không phải nói vài câu nhạt nhẽo và làm những hành động nhảm nhí là có thể khiến họ cười đâu. Nhu cầu giải trí, ai cũng “đói” nhưng không phải bạn mang cái gì đến là khán giả cũng “ăn”.
Rất nhiều nhà sản xuất muốn làm phim Tết, theo anh điều đó có đồng nghĩa với việc đây là một cuộc đua khốc liệt để giành được thị phần?
Tôi nghĩ, đây không phải là cuộc đua giành thị phần mà là cuộc đua sáng tạo dành cho các đạo diễn. Mỗi đạo diễn đều muốn phim của mình hay và sôi động, muốn mỗi khi đến dịp Tết đến, xuân về khán giả nhớ đến phim và lựa chọn những tác phẩm của mình.
Bán hàng đa cấp lên phim
Có vẻ đây là một mảnh đất khá chật hẹp cho những đạo diễn trẻ “bon chen” được một chỗ đứng phải không anh?
Mỗi đạo diễn có một màu khác nhau, có người làm phim hành động, có người chuyên làm phim phóng sự, chính kịch thì cũng có những người chuyên làm phim hài. Làm hài Tết vừa dễ lại vừa khó và khó với người này nhưng lại dễ với người khác. Tôi tự cho rằng, mình là người hài hước nên cũng có duyên làm phim hài.
Phim hài Tết “Khóc hay cười” khai thác đề tài bán hàng đa cấp và buôn thần bán thánh. |
Nói như anh, chỉ cần hài hước là có thể làm được phim hài?
Để có một bộ phim thành công cần rất nhiều yếu tố. Có thể khán giả đón nhận một bộ phim vì trong đó có thần tượng của họ xuất hiện. Tôi cho rằng, một dàn diễn viên “nặng ký” và một đề tài hay là những yếu tố làm nên sự thành công của hài Tết. Trong phim của mình, tôi đã tìm được một hướng đi khi lựa chọn đưa vào phim của mình những đề tài được đông đảo công chúng quan tâm nhưng ít được khai thác trên phim ảnh là sự buôn thần bán thành, nạn trộm chó và bán hàng đa cấp. Đây là những vấn đề vừa thời sự vừa gần gũi, mỗi người đều đã từng vấp phải một lần trong đời một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Anh từng là nạn nhân của bán hàng đa cấp?
Tôi trân trọng đồng tiền mình kiếm được và thường phải suy nghĩ chắc chắn mỗi khi tiêu từng đồng. Khoảng thời gian đi làm phu hồ ở TP.HCM, tôi đã nhìn thấy những mẩu quảng cáo dán trên tường, trên các cột điện nói về một công việc với mức lương khởi điểm là 2,5 đến 3 triệu đồng. Cách đây 6, 7 năm, đó là một mức lương cao. Tôi gọi điện đến và được đưa vào mô hình bán hàng đa cấp. Phải nói là ở đó họ nói rất hay, những người có máu kinh doanh nghe thấy là hừng hực khí thế kiếm tiền. Ai muốn làm giàu nhưng không đủ bình tĩnh là rút tiền ra ngay.
Anh có rút tiền không?
Cũng có nhiều bạn bè lôi kéo nhưng tôi vẫn đủ bình tĩnh. Tôi đã va chạm không dưới 10 công ty bán hàng đa cấp tại Việt Nam và thấy rằng, một số nơi, bán hàng đa cấp đã bị biến tướng đi rất nhiều. Những lời ngon ngọt của họ làm cho người khác nghĩ rằng, đây là công việc giàu có trong giây lát mà không phải bỏ nhiều công sức. Họ “chém gió” như thật về những khoản thu nhập trên trời. Trong một buổi tham dự thuyết trình bán hàng đa cấp, tôi nghe một diễn giả nói về việc ông ta mới mua được một chiếc ô tô. Tất cả mọi người đều bày tỏ sự thán phục. Khi ra về, tôi để quên chiếc cặp nên một lúc sau phải quay lại lấy và bạn biết không, tôi nhìn thấy vị diễn giả đó đang đứng chờ xe bus.
Anh vừa nói mình từng làm phu hồ?
Tôi theo đuổi điện ảnh vì đam mê, cả nhà tôi không có ai làm trong lĩnh vực nghệ thuật và không ai đồng ý cho tôi làm ngành này. Tôi đã phải một mình vào TP.HCM và tự lao động để trang trải cho việc học. Tôi đã từng làm phu hồ, làm nhân viên ở công ty nước giải khát.
So sánh hài Nam – hài Bắc Với cơ hội được làm việc ở cả hai miền Nam – Bắc, đạo diễn Phạm Đức Dũng nhận định, các nghệ sỹ miền Nam mạnh về mảng hài sân khấu với không gian diễn nhỏ hẹp trong khi các nghệ sỹ miền Bắc lại có thế mạnh về hài phim, hài truyền hình nên hài của miền Nam chú trọng sử dụng ngôn ngữ gây cười trong khi hài miền Bắc lấy hành động để tạo ra tiếng cười. Chính vì thế mà hài miền Nam đem lại cái cười ngay lập tức còn hài miền Bắc lại có gì đó sâu sắc và thâm thúy hơn. “Làm đạo diễn là phải khéo” Khi làm phim với các danh hài gạo cội, anh có bị “át vía” không? Là một đạo diễn, tôi luôn muốn ý đồ của mình được thực hiện, nhưng là một người thuộc thế hệ đi sau, tôi không bao giờ lấy quyền đạo diễn để hạch sách diễn viên. Những người mà tôi có cơ hội được hợp tác là những bậc cha chú và tôi còn phải học tập nhiều. Cái hay của người đạo diễn là phải khéo léo, nói làm sao để người ta vì mình mà muốn làm hay hơn. |