(ĐSPL) - Một chiếc tàu chở dầu mang cờ Malaysia vừa bị cưỡng chiếm ở Biển Đông và hàng hóa trên tàu bị cướp sạch.
|
Tàu chở dầu Singapore Naniwa Maru 1 neo tại cảng Klang, Malaysia hồi tháng 4/2014 sau khi bị cướp biển cưỡng chiếm. |
Đây là vụ mới nhất trong một loạt những vụ cướp biển gần đây mà thủ phạm được cho là môt băng đảng tội phạm hoạt động khá tinh vi.
Từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok, thông tín viên Steve Herman dẫn lời Hải quân Hoàng gia Malaysia cho biết 15 thuyền viên trên chiếc tàu MT Oriental Glory được an toàn sau khi tàu dầu này bị chiếm và 2.500 tấn dầu trên tàu bị cướp.
Chiếc tàu dài 85 mét này đang trên đường từ Singapore tới cảng Sandakan trên đảo Borneo của Malaysia khi bị tấn công vào khuya thứ ba.
Đây là vụ cướp tàu dầu thứ 9 ở vùng này kể từ cuối tháng 4/2014.
Trong những vụ này, bọn cướp, sau khi chiếm tàu, đã bơm dầu trên tàu sang những chiếc phà hoặc những tàu dầu khác.
Một số chuyên gia tin rằng sự tăng mạnh của những vụ cướp biển hồi gần đây có lẽ phát xuất một phần từ sự cải thiện trong việc báo cáo của thuyền viên và các công ty chủ tàu.
Lai lịch của các băng cướp biển hiện vẫn chưa rõ. Người ta cũng không rõ là tiền lời có được sau khi mang dầu đem bán trên thị trường chợ đen có được dùng để tài trợ cho những hoạt động chính trị hoặc những vụ khủng bố hay không.
Nhưng theo ông Ian Millen, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Hàng hải Dryad, có một điều chắc chắn là thủ phạm của những vụ hải tặc này là những chuyên viên tội phạm có tổ chức và thông thạo cách thức làm tê liệt những hệ thống quan trọng trên tàu. Ồng cho biết: "Điều mà chúng tôi nói tới ở đây là những thứ như hệ thống truyền tin và hệ thống hải hành. Nó làm cho chủ tàu và cơ quan công lực khó lòng theo dõi và tìm kiếm những chiếc tàu này sau khi tàu bị cưỡng chiếm. Bọn cướp cũng cho thấy họ có rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức để làm những chuyện như bơm dầu sang tàu khác."
Giám đốc Cục Hàng hải Quốc tế Pottengal Mukundan cho rằng thủ phạm của những vụ cướp này là một vài băng đảng chuyên tấn công những mục tiêu gọi là “mục tiêu mềm” để lấy đi những món hàng dễ tiêu thụ đắt tiền. Ông nói: "Giá dầu diesel khá đắt. Cho nên họ nhận ra một nguồn lợi tài chánh ở đây. Cho tới nay những băng đảng đó không có ai bị bắt hay bị trừng trị bởi những quốc gia trong khu vực. Do đó, tôi nghĩ rằng họ nhìn thấy một cách làm ăn dễ dàng, tính tới thời điểm này. Tuy nhiên, hải quân, tuần duyên và cảnh sát của những nước trong khu vực biết rõ những vụ này. Và tôi tin họ sẽ tìm cách để bắt những băng đảng này trong nay mai và trừng trị bọn chúng theo pháp luật."
Công ty Dryad, có trụ sở chính ở Anh, cho biết cách phòng vệ tốt nhất trước những vụ tấn công như vậy là thuyền viên phải cảnh giác liên tục và không ngừng dùng mắt quan sát và theo dõi trên radar và giữ bí mật về sự di chuyển của chiếc tàu của họ.
Các chuyên gia nói rằng trong trường hợp những sự phòng ngừa đó không có kết quả, thuyền viên có thể tìm cách xịt nước vào bọn cướp, không cho chúng lên tàu.
Tuy hải tặc ở Biển Đông trang bị giáo mác, đôi khi có súng và thường dọa sử dụng khí giới, nhưng ông Millen của công ty Dryad cho biết có nhiều trở ngại cho việc bố trí nhân viên bảo vệ có vũ trang trên các chiếc tàu chở hàng.
Hải tặc là một vấn nạn lớn ở Eo biển Malacca cho tới năm 2006. Từ đó cho tới tháng tư năm nay, tại eo biển này hoặc tại vùng Biển Đông kế cận việc tàu dầu bị cướp thường chỉ xảy ra một hay hai lần mỗi năm.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hai-tac-lai-cuop-tau-cho-dau-malaysia-o-bien-dong-a41386.html