(ĐS&PL) Trong lúc cả nước đang chung tay khắc phục tối đa hậu quả của dịch tả lợn Châu Phi, thì tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng một số đối tượng đang cấu kết với nhau có dấu hiệu "lũng đoạn" thị trường thịt lợn, bóp ghẹt các hộ kinh doanh và người chăn nuôi lợn. Việc làm của nhóm người này có dấu hiệu đi ngược lại chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ NN&PTNT cùng các ngành có liên quan về việc mọi điều kiện hỗ trợ giúp đỡ bà con nông dân và các hộ kinh doanh sớm khôi phục đàn lợn an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời chủ động phòng chống dịch tái phát...
Lợi dụng dịch, lũng đoạn giá
Với chủ trương gia súc gia cầm cần được đưa vào lò giết mổ tập trung để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tránh gây ô nhiễm môi trường của chính phủ. Đảo Cát Bà, huyện Cát Hải cũng có 1 lò giết mổ tập trung tại xã Trân Châu là cơ sở Phú Cường của ông Nguyễn Văn Cần. Tuy nhiên, lợi dụng việc chỉ có 1 cơ sở giết mổ tại đây, lò mổ của ông Cần ngang nhiên đóng mở cửa tùy thích.
Cơ sở giết mổ Phú Cường |
Ghi nhận trực tiếp của PV ngày 19/4, sau khi xe chở lợn trị giá hàng trăm triệu đồng với đầy đủ các giấy tờ của chị Dinh vượt qua nhiều chốt kiểm dịch thú y nghiêm ngặt để ra được đến đảo Cát Bà, thì trớ trêu thay xe không được vào lò giết mổ tập trung với những lý do hết sức bi hài.
Theo quy định ở đây thì khi xe chở lợn đến nơi cần gọi điện cho nhân viên trạm chăn nuôi và thú y Cát Hải là ông Trường Anh để đến phun khử trùng cả xe lần cuối trước khi được đưa vào trong cổng lò mổ.
Làm đúng theo trình tự, chị Dinh gọi điện cho ông Trường Anh nhiều lần nhưng đều bị từ chối phun khử trùng với lí do: “Chị cần làm việc với chủ lò mổ, nếu chủ lò mổ đồng ý thì em mới phun khử trùng cho chị.”
Tiếp tục liên lạc với ông Cần chủ cơ sở giết mổ thì chị Dinh cho biết nhận được câu trả lời: “Chị bảo được Trường Anh phun khử trùng được thì hãy vào lò mổ”
Câu hỏi đặt ra ở đây là ông Trường Anh đang làm việc cho ai? Và nhiệm vụ của ông Trường Anh là gì? Phải chăng ông Trường Anh đã ăn dây với chủ cơ sở giết mổ để gây khó dễ cho người dân?
Xe chở lợn của hộ kinh doanh |
Dưới sự vô trách nhiệm của ông Trường Anh, để tránh thiệt hại cho người kinh doanh, PV đã liên hệ trực tiếp với bà Xuân Anh – Trưởng trạm chăn nuôi và thú y Cát Hải để báo cáo sự việc và yêu cầu ông Trường Anh phải phun khử trùng cho xe. Thậm chí PV cũng liên hệ trực tiếp với ông Trường Anh để can thiệp, tuy nhiên thái độ của ông Trường Anh rất bất hợp tác.
Sau hơn 1 tiếng liên hệ thì ông Trường Anh mới có mặt tại cơ sở giết mổ. Tuy nhiên là với lý do thời tiết nắng nóng không thể phun khử trùng cho xe sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe đàn lợn. Ông Trường Anh cương quyết không phun khử trùng cho xe lợn.
Với lý do này, PV có đặt câu hỏi cho ông Trường Anh là vậy cứ nắng nóng là anh không phun khử trùng đúng không? Ông Trường Anh hoàn toàn không có câu trả lời. Tiếp theo, nếu trời nắng nóng mà phun thuốc khử trùng sẽ ảnh hưởng đến lợn vậy tại sao các anh không kiến nghị để có sân mát cho xe chở lợn đỗ? Ngay lập tức ông Trường Anh lên xe bỏ đi. Mặc dù PV có giữ xe lại để hỏi nhưng với thái độ cương quyết không hợp tác càng chứng tỏ mối liên kết khăng khít giữa ông và chủ cơ sở giết mổ.
Chị Dinh cho biết: “bình thường khi nào ông Cần thích thì ông Cần sẽ mở cửa lò mồ, còn không thích sẽ đóng cửa và không có cách gì có thể liên lạc. Mà nếu không mổ ở đây thì chúng tôi sẽ không được chứng nhận kiểm dịch, vì vậy thịt lợn sẽ không bán được cho ai. Thậm chí nếu cố tình bán sẽ bị đội quản lý thị trường thu và phạt rất nặng.”
Để lý giải cho việc tại sao lò giết mổ thu những 300 nghìn đồng/con lợn mà lại không cho lợn vào lò mổ chúng tôi đã trao đổi với 1 số hộ kinh doanh thịt lợn trên địa bàn huyện. Các hộ kinh doanh cho biết: “Chỉ có ông Cần bắt lợn ở nơi khác về mới đem vào đây giết được, đương nhiên giá thịt lợn do ông ấy kiểm soát. Nếu chúng tôi bắt ở nơi khác về đây giết với giá thịt lợn hơi hiện tại là 52 000đ/kg thì mua của ông Cần sẽ phải là 56 000đ/kg. Vậy nhẩm đâu mà không ra, 1 ngày cả huyện này tiêu thụ bao nhiêu con thì chỉ ông Cần và trạm thú y mới biết. Mà từ khi dịch lợn tả lợn Châu Phi lan rộng, đến cả 2 tháng nay xe chở lợn của chúng tôi không được vào lò giết mổ rồi”.
Bà Lê Thị Huế - Phó trưởng trạm chăn nuôi và thú y Cát Hải |
Sự thờ ơ của các cơ quan chức năng.
Rất bức xúc trước cách làm việc của trạm chăn nuôi và thú y Cát Bà, PV có nhắn tin, gọi điện nhiều lần cho đồng chí Phạm Văn Công – Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y Hải Phòng nhưng cũng hoàn toàn bặt vô âm tín.
Sau hơn 3 giờ đồng hồ chơi trò “đổ tại”, thì đến cuối giờ chiều, trời cũng dịu mát, xe chở lợn cũng có chỗ bóng dâm để đỗ. Lúc này PV có yêu cầu bà Xuân Anh – trưởng trạm thú y Cát Hải cử người ra để phun khử trùng cho xe. Và để nghe xem bà còn lý do gì “đổ tại” nữa không.
Thì khoảng 30p sau có 1 nhân viên nữ của trạm thú y tên Huệ ra, tuy nhiên bà Huệ ra không phải để phun khử trùng mà là để kiểm tra lại giấy tờ của chiếc xe chở lợn trên đã đầy đủ chưa và chụp ảnh lại toàn bộ giấy tờ để gửi cho bà Xuân Anh. Kiểm tra kĩ lưỡng toàn bộ giấy tờ và xác nhận đã hoàn toàn đầy đủ, bà Huệ cũng phải thốt ra một câu: “cứ gây rắc rối cho nhau làm đ.é.o gì không biết?”
Chủ xe lợn cũng như PV, không biết làm gì hơn ngoài đợi. Lại 30p trôi qua, và lần này là sự xuất hiện của 1 người theo như bà Xuân Anh trao đổi qua điện thoại là cán bộ thú y của xã Trân Châu đến phun khử trùng xe.
“Mừng quá, cuối cùng xe cũng đã được khử trùng” - câu nói thốt lên từ sự lo lắng của chị Dinh chủ xe khiến PV cảm thấy thật sự bất lực trước nỗi khổ của người kinh doanh. Ấy vậy mà chủ lò mổ vẫn không hề mở cửa để cho xe vào.
Thật đau xót, ngay cả bà Huệ, nhân viên trạm thú y cũng phải đặt câu hỏi cho chủ xe: “nếu bây giờ xe không được vào lò mổ thì giờ lợn đi đâu?” và đó cũng là câu hỏi của chúng tôi. Vì với vị trí địa lý cách biệt khỏi đất liền, muốn ra đảo Cát Bà bằng ô tô phải đi phà mất khoảng 30 phút. Chuyến phà cuối cùng trong ngày để xe chở lợn có thể quay trở về là 18h. Nhưng lúc này đã không còn thời gian để kịp chuyến phà cuối cùng.
Vậy số lợn kia bây giờ đi đâu? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho thiệt hại hàng trăm triệu này của người kinh doanh?
Trước tình hình trên, PV có gọi điện và nhắn tin báo cáo tình hình cho đồng chí Phạm Quang Hiển Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, sau vài cuộc điện thoại và tin nhắn thì PV nhận được câu trả lời là đã giao cho đồng chí Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện. Tuy nhiên PV nhiều lần liên lạc với đồng chí Cường cũng không được.
PV liên lạc với các lãnh đạo địa phương nhưng bất thường |
Tiếp theo, PV có gọi điện cho đồng chí Thuận – trưởng Công an xã Trân Châu báo cáo tình hình sự việc của chủ lò mổ Phú Cường cản trở không cho xe chở lợn vào lò mồ. Yêu cầu đồng chí cho các cán bộ chiến sĩ ra lập biên bản sự việc. Nhưng rồi thời gian trôi qua cũng không có 1 cán bộ chiến sĩ nào có mặt. PV có gọi điện lại nhiều lần thì đồng chí Thuận cũng không nghe máy.
Tiếp tục liên lạc với đồng chí Thủy – Phó trưởng Công an huyện Cát Hải thì ngay lập tức nhận được sự chỉ đạo gắt gao. Tuy nhiên lúc này đã là 17h30 phút và PV đã trên đường ra phà để quay trở lại đất liền. Xe tải chở lợn cũng đã phải đưa lợn xuống xe vì không thể để lợn cả ngày trên xe được.
PV cũng đã đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều việc lạ lùng, nhưng hiếm thấy ai như nhân viên của trạm chăn nuôi và thú y, cùng với chủ lò giết mổ đã có thể bất chấp phát luật, coi thường các cơ quan chức năng để lũng đoạn giá thịt lợn như vậy thì thật là không tưởng.
Thiết nghĩ, để đảm bảo thượng tôn pháp luật và tránh những phát sinh phức tạp thì cơ quan chức năng cần vào cuộc, thể hiện vai trò lãnh đạo của mình, cùng chung tay giúp sức với hộ kinh doanh và người chăn nuôi lợn hơn bao giờ hết. Cũng là lúc cần xử lý nghiêm các đối tượng vì lợi ích nhóm mà cấu kết coi thường pháp luật thu lợi bất chính trên mồ hôi nước mắt của người chăn nuôi.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Tân Thắng