Washington Post dẫn thông tin từ các binh sĩ và nhà phân tích cho biết lực lượng Nga đang sử dụng máy bay không người lái (UAV) tấn công và bom dẫn đường để tấn công quân đội Ukraine. Đây là một phần trong chiến lược nhắm vào những điểm yếu của Kiev, bao gồm việc có hệ thống phòng không hạn chế và số lượng chiến đấu cơ ít hơn nhiều so với Moscow.
Nga đã tăng cường các cuộc tấn công trên không ở khu vực Zaporizhzhia bằng cách sử dụng hai loại vũ khí có sẵn với số lượng lớn: UAV tấn công tự sát và bom dẫn đường được sửa đổi để nhắm chuẩn xác hơn. Các mối đe dọa trên không này đã làm phức tạp thêm nỗ lực của Ukraine trong việc phản công tại Zaporizhzhia, vốn là chìa khóa để Kiev cắt đứt tuyến đường tiếp tế cho Nga từ Crimea.
Lực lượng Ukraine đã có những bước tiến nhất định trong quá trình phản công, tạo thành một mũi nhọn chữ V nhắm vào địa hình của đối phương. Thế nhưng, khu vực mà Ukraine tái chiếm tính theo km, khiến phương Tây lo ngại rằng cơ hội Kiev giáng “một đòn chí mạng” vào lực lượng Nga đang mờ dần khi mùa Đông đến gần.
Hai loại vũ khí nói trên được sử dụng cho các mục đích khác nhau. Lancet – UAV được điều khiển đến mục tiêu và kích hoạt chất nổ bên trên - thường được dùng để tấn công các phương tiện của Ukraine. Trong khi đó, loại bom bình thường được thả từ máy bay được cải tiến với hệ thống dẫn đường GPS và cánh cho phép chúng tiếp cận các mục tiêu như trạm chỉ huy.
Theo ông Oleksiy Melnyk – chuyên gia quân sự tại Trung tâm Razumkov, một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Kiev, bom dẫn đường của Nga thực sự là một thách thức. Cụ thể, vũ khí này khó bị đánh chặn do có cấu trúc bằng sắt nặng và cũ trong khi tên lửa phòng không được thiết kế để tấn công các mục tiêu mỏng hơn.
Chưa kể, Nga triển khai số lượng lớn bom dẫn đường. “Điều quan trọng là loại vũ khí đó tương đối rẻ và Nga có nguồn dự trữ gần như không giới hạn”, ông Oleksiy nói.
UAV cảm tử Lancet
Về UAV cảm tử Lancet, thiết bị này được sử dụng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022 và trở thành một trong những vũ khí đặc trưng của Moscow.
Ông Yurii Ihnat – người phát ngôn của lực lượng không quân Ukraine chia sẻ, máy bay cánh X được trang bị camera ở phần mũi, hoạt động song song với một UAV giám sát phía trên để theo dõi các mục tiêu, cung cấp nhiều góc nhìn trên chiến trường.
UAV Lancet mang được lượng chất nổ khá nhỏ (khoảng gần 3kg), tương đương sức công phá của đạn súng cối 120mm của Mỹ. Dù vậy, lượng chất nổ này đủ để gây hư hại cho các phương tiện, trong một số trường hợp còn phá hủy các thiết bị cao cấp hơn của Ukraine. Lý do là vì khả năng điều khiển chính xác thông qua camera cho phép người vận hành nhắm trực tiếp vào các bộ phận dễ bị tổn thương của mục tiêu.
“Đối phương hiện đang cố gắng tận dụng nhiều hơn các loại vũ khí này để tấn công các xe bọc thép, hệ thống tác chiến điện tử và các thiết bị khác của chúng tôi”, ông Ihnat cho hay. Với tầm hoạt động khoảng 59,5km, địa điểm phóng UAV Lancet có thể nằm ngoài tầm bắn của nhiều loại vũ khí mà Ukraine đang sử dụng.
Các binh sĩ Ukraine tham gia vào cuộc phản công nói rằng, UAV Lancet vốn không được sử dụng nhiều trong thời gian đầu của cuộc xung đột nhưng hiện tại đã trở thành một trong những mối lo ngại chính.
Theo một chỉ huy kíp xe chiến đấu Bradley do Mỹ cung cấp, nhóm của ông đã trải qua nhiều cuộc giao tranh trong chiến dịch giành lại Robotyne – một trong những ngôi làng mà Ukraine tái chiếm trong cuộc phản công.
Chỉ huy này tiết lộ số lượng các cuộc tấn công bằng UAV Lancet đã tăng vọt trong tháng qua. Xe chiến đấu Bradley được bảo vệ khá tốt trước một số loại mìn và tên lửa chống tăng nhưng UAV Lancet lại là một mối đe dọa khác.
“Nếu di chuyển vào ban ngày, các phương tiện có thể bị nhắm mục tiêu bằng 2-3 UAV Lancet. Nếu UAV này va vào khoang động cơ thì động cơ sẽ chết, lớp giáp cũng bị đốt cháy”, vị chỉ huy chia sẻ.
Ông Samuel Bendett - thành viên chương trình nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân ở Arlington cho biết, truyền thông Nga đã đưa tin về việc tăng cường sản xuất UAV Lancet. Với chi phí sản xuất ước tình khoảng 30.000 – 35.000 USD, thiết bị này rẻ hơn nhiều so với các loại UAV và tên lửa cao cấp hơn.
Theo thông tin trên Washington Post, lực lượng Ukraine đối phó bằng cách phủ lưới và hàng rào xung quanh các hệ thống quan trọng, với các rào cản được thiết kế để kích nổ UAV Lancet trước khi chúng tấn công mục tiêu. Một lựa chọn phòng thủ khác là gây nhiễu điện tử.
Binh sĩ Ukraine cũng có thể hạ UAV Lancet bằng súng máy và vũ khí cầm tay nhưng việc này đòi hỏi họ phải quan sát được chúng. Theo ông Bendett, UAV thường được triển khai vào ban đêm nên rất khó để biết chúng bay đến từ vị trí nào.
“Chúng ta có thể sẽ thấy nhiều máy bay không người lái như Lancet được sử dụng dọc theo chiến tuyến hiện tại và xa hơn nữa”, ông Bendett nhận định.
Bom dẫn đường được cải tiến
Kho tên lửa chính xác đang cạn kiệt buộc Moscow phải có những thay đổi chiến lược, dựa vào lợi thế có sẵn của mình, trong đó có kho dự trữ bom thả từ máy bay lớn từ thời Liên Xô.
Có trọng lượng gần 500kg, FAB-500 được gọi là “bom ngu” do không thể dẫn đường và không nhắm chính xác mục tiêu, buộc các phi công phải liều lĩnh điều khiển máy bay đến gần mục tiêu hơn và thả chúng xuống.
Những sửa đổi, dường như được thực hiện vào đầu năm 2023, đã biến chúng thành bom dẫn đường và có thể lướt đến mục tiêu. Với những cải tiến này, Nga có lợi thể quan trọng trước hệ thống phòng không của Ukraine.
XEM THÊM: Cố vấn của Tổng thống Ukraine hé lộ 3 nhiệm vụ chính để giành lại bán đảo Crimea
Theo ông Ihnat, các máy bay bay cao hơn 9,1 km và phóng bom cách tiền tuyến khoảng 48,2 km. Những quả bom sau đó sẽ lướt thêm khoảng 19,3 km trong lãnh thổ Ukraine. Khoảng cách gần như vậy có nghĩa thời gian bom ở trên không ngắn hơn nhiều so với các tên lửa thông thường mà hệ thống phòng không được hiệu chỉnh để phát hiện và đánh chặn.
Ông Ihnat nói rằng, tuy không phải lúc nào loại bom này cũng nhắm chính xác mục tiêu nhưng máy bay Nga đang thả rất nhiều bom. “Về mặt lý thuyết, những quả bom này có thể bị đánh chặn nhưng thực tế cực khó bắn hạ”, ông cho biết.
Giải pháp thực tế duy nhất là bắn hạ máy bay Nga ở xa lãnh thổ Ukraine thay vì bắn hạ bom. Thế nhưng, việc này đòi hỏi phải có các chiến đấu cơ hiện đại, chẳng hạn như F-16 do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, chiến đấu cơ F-16 còn nhiều tháng nữa mới có thể cất cánh tại Ukraine.
Oleksandr Solonko – một binh sĩ Ukraine thuộc tiểu đoàn trinh sát trên không được bố trí ở phía Nam để tiến hành phản công tiết lộ, sức tàn phá của những quả bom nói trên rất khủng khiếp.
“Bom dẫn đường là một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất. Nga sử dụng chúng với số lượng lớn. Họ đang cố gắng tấn công các trạm hậu cần và chỉ huy của chúng tôi nhưng đôi khi chỉ nhắm vào các mục tiêu trên đường. Các khu định cư chính có binh sĩ thường xuyên bị tấn công”, Solonko viết trên nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter) hồi cuối tháng 8/2023.
Trong một cuộc phỏng vấn, Solonko nói rằng sự chậm trễ trong việc cung cấp máy bay chiến đấu của phương Tây và tình trạng hệ thống phòng không luôn khan hiếm nhưng phải hoạt động quá công suất của Ukraine là một thách thức.
“Việc thiếu năng lực trên không đang tác động lớn đến cuộc chiến. Chúng tôi đang bị tổn thất rất nhiều”, Solonko cho hay.
Đinh Kim (Theo Washington Post)