Miền Bắc đang trong những ngày nắng nóng, đây cũng là thời điểm các xưởng kem nhái, kem “gia công” hay còn gọi dưới một cái tên chung khác là kem “bẩn” chính thức vào mùa.
Kem… ruồi
Nằm cách Hà Nội chỉ 30km nhưng riêng 2 xã Văn Phúc và Xuân Phú thuộc huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã có tới 4 xưởng kem “gia công”. Không chỉ làm nhiệm vụ “phủ sóng” các loại kem cho người dân trong huyện, 4 xưởng kem này cho ra lò hàng chục vạn chiếc mỗi ngày, đảm bảo cung cấp cho hầu hết các huyện lân cận như: Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất… hay thậm chí cả các tỉnh xa như: Hòa Bình, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc...
Tại xưởng kem Sáu - Thủy ở thôn Cựu Lục (xã Văn Phúc) nằm sát ngay đường liên xã lúc nào cũng bụi mù mịt là 2 người phụ nữ đang cắm cúi chế biến nguyên liệu thô cho những chiếc kem dừa sắp ra lò. Nguyên liệu ở đây chính là những trái dừa được lột vỏ chỉ còn trơ cùi được vứt lăn lóc dưới đất, ruồi bu đen đặc.
Không khẩu trang, không găng tay và cũng không sử dụng bất kỳ trang thiết bị bảo hộ vệ sinh nào, một nữ công nhân cho biết: “Do cùi dừa khi nạo sẽ hấp dẫn ruồi nên chủ xưởng yêu cầu chúng tôi mang ra lề đường chế biến cho đỡ… bẩn”.
Vừa vun đống cùi dừa đã nạo thành từng đống chảy nước ròng ròng, nữ công nhân còn lại lên tiếng: “Không hiểu sao cứ mỗi khi chúng tôi nạo dừa thì ruồi ở đâu bu đến nhiều kinh khủng. Vì thế, nhiều khi chúng tôi vẫn phải loại bớt những chiếc kem thành phẩm vì có lẫn cả ruồi chết trong đó”.
Các nữ công nhân này cho hay, vì ruồi quá nhiều và đuổi không xuể nên chủ xưởng phải mua bả ruồi về đánh bẫy. “Đánh bả như thế cũng không ăn thua, đây là lần thứ 8 trong ngày tôi phải đi quét xác ruồi, lần nào quét cũng phải lưng chiếc xẻng con”, nữ công nhân này nói.
Không chỉ có xưởng Sáu - Thủy mà cả 3 xưởng kem còn lại cũng trong tình trạng tương tự.
Xưởng sản xuất như chuồng heo
Nếu như các xưởng kem “ruồi” ở Phúc Thọ (Hà Nội) giao tới tay đại lý với giá từ 1.000 - 1.500 đồng/chiếc thì xưởng kem của ông chủ tên Nam thuộc thị trấn Nhã Nam (Bắc Giang) lại có giá cạnh tranh đến giật mình, chỉ 600 đồng/chiếc.
Gọi là xưởng cho oai chứ khi bước vào xưởng kem này cảm giác đây như một chuồng heo. Không biển hiệu, không giấy phép, nhà xưởng tồi tàn và tối om om trong khi nước thải ngập lênh láng khắp nơi, gần 20 công nhân cởi trần trùng trục, mồ hôi mồ kê nhễ nhại làm việc dưới mái tôn nóng hầm hập.
Người phụ nữ này chế biến nguyên liệu thô cho sản phẩm kem sữa dừa ngay bên lề đường |
Giữa xưởng là một bể nước làm lạnh dùng để ngâm kem đục ngầu màu gỉ sắt. Ngay sát thành bể là rãnh thoát nước thải và công nhân đang làm kem, nếu mắc tiểu có thể vô tư “tưới tiêu” tại chỗ.
Cách đó vài mét là một khu bếp dùng làm nơi nấu bột. Trên đó lăn lóc đủ thứ xoong nồi, máy trộn, khuôn kem bằng tôn gỉ sét, bao tải sữa bột, bao tải bột năng (loại bột chuyên dùng để làm kem), que cắm kem và cả chục can hóa chất hương liệu.
Tất cả những bao tải, can đựng này đều không hề có nhãn mác và khi được hỏi, chủ xưởng chỉ lấp lửng rằng nguyên liệu chế biến được nhập từ… nước ngoài. Tuy nhiên, nước ngoài là nước nào, chủ xưởng nhất định không tiết lộ.
Khác với các hãng kem danh tiếng, công thức và quy trình pha chế nguyên liệu được giữ kín, ở xưởng anh Nam, việc này lại được thực hiện công khai. Theo anh Nam, công thức làm kem cũng rất đơn giản, bột năng sẽ được trộn với sữa bột, hương liệu, đường… với tỉ lệ nhất định, sau đó đưa lên bếp nấu chín.
Tùy loại kem đưa ra thị trường là kem va-ni, kem dâu tây, kem đậu xanh hay kem dừa… mà chọn loại hương liệu, phẩm màu có mùi tương tự để pha chế. Bột sau khi nấu chín sẽ được đưa vào đánh nhuyễn, để nguội rồi đóng vào từng vỉ khuôn 20 chiếc làm bằng tôn.
Nguy cơ nhiễm bệnh
Tiến sỹ Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm - Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Sử dụng kem “bẩn” có nguy cơ lây nhiễm rất cao với nhiều loại bệnh.
Đặc biệt là trẻ em sức đề kháng còn yếu thì nguy cơ nhiễm bệnh càng lớn. Chỉ nói về nguồn nước mà các xưởng kem tự phát sử dụng, đa phần đều không đảm bảo, có thể tồn tại trong đó nhiều kim loại nặng hay thậm chí cả chất độc như Asen (thạch tín) hay Dioxin.
Đó là chưa kể tới các nguy cơ tiềm ẩn khác như sản phẩm có sử dụng các chất hóa học không được phép hoặc được phép nhưng lại quá liều lượng như các chất tạo xốp, chất tạo ngọt, phẩm màu...
Nếu que kem bị ô nhiễm bởi những vi khuẩn như tả, lỵ, thương hàn… thì khi sử dụng chắc chắn người ăn sẽ nhiễm bệnh. Lúc này, que kem trở thành là nguồn truyền nhiễm cho chính người sử dụng”.
Cần nhắc lại vài năm trước, khi Hà Nội bùng phát dịch tiêu chảy cấp với con số cả ngàn người nhiễm phẩy khuẩn tả. Một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh có khả năng gây tử vong này được cho là có nguồn gốc từ các loại kem “bẩn” vốn bày bán tràn lan từ thành thị cho tới làng quê.
Hầu hết các xưởng làm kem đều nằm ở vùng ven nên chưa có nước sạch, do đó, nguồn nước sử dụng chủ yếu là nước giếng khoan, cá biệt có nơi sử dụng nước ao tù ngay phía sau nhà đưa lên bể lọc qua loa rồi bơm thẳng xuống xưởng pha chế.