Tri Thức Trực Tuyến dẫn thông tin từ một bệnh viện tại Phú Thọ cho biết đơn vị này trước đây từng tiếp nhận nam bệnh nhân 55 tuổi ở Hà Giang đến viện trong tình trạng ngứa mắt nhiều. Trước đó, nam bệnh nhân đã khám và nhỏ thuốc ở một số bệnh viện gần nhà nhưng không khỏi.
Tại khoa Mắt của bệnh viện, dưới kính hiển vi, các bác sĩ phát hiện có hàng trăm ký sinh trùng và trứng ký sinh trên mi mắt bên nhân. Ngay sau đó, các bác sĩ đã gây tê tại chỗ, lấy ra gần 100 ký sinh trùng rận mu và hơn 100 trứng ký sinh.
Người bệnh kể gia đình anh nuôi gia cầm và gia súc dưới sàn nhà, rất có thể đây là nguyên nhân khiến anh bị nhiễm ký sinh trùng rận mu trên mắt. Các bác sĩ cho hay, có nhiều nguyên nhân gây ngứa mắt như viêm bờ mi, ký sinh trùng, nấm, viêm kết mạc dị ứng, tuy nhiên ngứa mắt do ký sinh trùng rận mu rất hiếm.
Được biết, rận mu có thể ký sinh tại nhiều vị trí của cơ thể. Với người lớn, rận mu thường ký sinh và gây bệnh ở vùng lông bộ phận sinh dục và khu vực ven hậu môn, ngoài ra còn có thể thấy trên tóc, bụng, hố nách, râu, ria mép. Trong khi đó, rận mu thường ký sinh ở lông mi của trẻ em.
Loại ký sinh trùng này có thể lây qua chăn, chiếu, mùng mền, quần áo… dùng chung hoặc các hành động như hôn, quan hệ tình dục. Tình trạng ngứa do rận mu thường xuất hiện sau 1-2 tuần lây bệnh. Người bệnh gãi khi bị ngứa, gây ra lở loét và nhiễm khuẩn thứ phát. Nếu lông mị bị nhiễm rận, kèm theo nhiễm trùng thứ cấp thì có thể gây viêm kết mạc mụn rộp và viêm giác mạc.
Việc điều trị rận mu không khó nhưng nếu không điều trị dứt điểm, việc gãi ngứa gây trầy xước da, có thể dẫn đến bội nhiễm do vi khuẩn. Các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo mọi người nên vệ sinh cơ thể và nhà ở sạch sẽ vì ký sinh trùng có thể sinh sống và trú ngụ ở mọi nơi. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra và điều trị triệt để.
Đinh Kim(T/h)