Cả hai hiện tượng thiên văn hiếm gặp là mưa sao băng Delta Aquarids và nguyệt thực toàn phần sẽ cùng "hội tụ" vào ngày 28/7.
Trong ngày 28/7, cùng với hiện tượng nguyệt thực dài nhất thế kỷ 21, người yêu thiên văn Việt Nam sẽ có cơ hội quan sát mưa sao băng .
Nguyệt thực dài nhất thế kỷ 21 sắp diễn ra trong 103 phút vào ngày 28/7. Ảnh: Hội thiên văn học Việt Nam |
Diễn biến nguyệt thực tại Việt Nam cụ thể như sau (theo giờ Việt Nam): 0h14 mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối, 1h24 bắt đầu pha một phần, 2h30 bắt đầu pha toàn phần, 3h21 nguyệt thực cực đại (mặt trăng đi sâu nhất vào bóng tối của trái đất), 4h13 kết thúc pha toàn phần, 5h19 kết thúc pha một phần, 6h28 kết thúc pha nửa tối.
“Đáng chú ý hơn, pha toàn phần kéo dài rất lâu với tổng cộng 103 phút khiến nguyệt thực lần này là nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21. Đường đi của mặt trăng càng đi gần qua trung tâm của vùng bóng tối (bóng của Trái Đất) thì nó càng mất nhiều thời gian để đi qua, do đó nguyệt thực toàn phần càng kéo dài”, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học Việt Nam cho hay.
Những người yêu thích thiên văn sẽ được "mãn nhãn" khi cả hai hiện tượng hiếm gặp cùng "hội tụ" trong đêm 28/7. Ảnh: minh họa |
Liên quan đến sự kiện thiên văn này, TTXVN còn thông tin thêm, cũng trong ngày 28/7, người dân sẽ có cơ hội quan sát thêm mưa sao băng Delta Aquarids. Delta Aquarids là trận mưa sao băng loại trung bình khoảng 20 vệt mỗi giờ, cực điểm của mưa sao băng này diễn ra vào 27-29/7.
Ngoài ra, trên bầu trời sẽ được “bổ sung” thêm những vệt sao băng của trận mưa sao băng Perseids (cực điểm vào giữa tháng 8).
Có thể nói những người yêu thiên văn sẽ được hưởng một bữa tiệc thịnh soạn vào đêm 28/7 khi cả hai hiện tượng hiếm gặp mưa sao băng và nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỉ 21 cùng xuất hiện.
Để quan sát các hiện tượng thiên nhiên này, người yêu thiên văn có thể dùng mắt thường hoặc kính thiên văn, ống nhòm. Song, có một điều đáng lưu ý chính là thời điểm hiện nay ở nhiều vùng của Việt Nam thời tiết không thuận lợi cho việc quan sát khi có mây mù và mưa.
Trong điều kiện thời tiết tốt, người quan sát cần chọn góc nhìn rộng, tránh ánh sáng của đèn cao áp
Minh Phạm(T/h)