Nghị viện châu Âu thông qua đề xuất việc các hãng công nghệ có thể đối mặt án phạt nặng nếu không gỡ bỏ các nội dung khủng bố trong vòng một giờ sau khi được yêu cầu.
Theo Tuổi trẻ, Nghị viện châu Âu (EP) ngày 17/4 đã bỏ phiếu đồng thuận phạt 4% doanh thu, nếu các công ty đứng sau những trang mạng như Facebook, Google và Twitterkhông kịp thời xóa bỏ các nội dung có yếu tố bạo lực theo yêu cầu từ chính quyền.
Theo đó, trong vòng một giờ kể từ lúc nhận yêu cầu tháo gỡ nội dung vi phạm, ba công ty trên có nhiệm vụ phải thực hiện nếu không muốn bị truy cứu trách nhiệm.
Các hãng công nghệ bị phạt nặng nếu không kịp thời xóa nội dung khủng bố. Ảnh: Reuters |
Reuters ngày 18/4 nhận định biện pháp mới phản ánh sự nghiêm khắc của Liên minh châu Âu (EU) đối với đoạn ghi hình thảm sát tại hai giáo đường Hồi giáo ở New Zealand vào tháng 3.
EP đã bỏ phiếu thông qua đề xuất mạnh tay với việc lạm dụng dịch vụ lưu trữ, chia sẻ thông tin internet cho "những mục đích khủng bố". Trong đó kết quả là 308 phiếu thuận, 204 phiếu chống và 70 phiếu trắng.
"Các công ty liên tục thất bại một cách có hệ thống trong việc tuân thủ quy định có thể chịu mức phạt lên đến 4% tổng doanh thu toàn cầu", EP tuyên bố.
Theo Thanh niên, Nghị viện châu Âu mới (sẽ được bầu chọn trong giai đoạn 23-26/5) sẽ hoàn thiện luật kể trên trước khi bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, tiến trình này sẽ phải mất nhiều tháng vì Nghị viện châu Âu phải tiếp tục thảo luận với Ủy ban châu Âu và đại diện các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Các công ty công nghệ bị cho là không thể ngăn chặn thông tin độc hại. Ảnh: AFP |
Ông Daniel Dalton - người soạn thảo dự luật, cho biết: “Vấn đề nội dung cực đoan tràn lan trên internet đã không được kiểm soát trong khoảng thời gian quá dài. Luật mới phù hợp với thực tế, vẫn đảm bảo tự do ngôn luận”. Tuy nhiên, một số quan chức EU lo ngại luật mới bị lạm dụng, dẫn đến đe dọa tự ngôn luận, kiểm duyệt nội dung trên internet.
Theo TTXVN, biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức các nước vẫn đang hết sức quan ngại về vấn đề quản trị truyền thông xã hội sau khi đoạn phim ghi hình vụ xả súng tại hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch của New Zealand hồi tháng 3 vừa qua được lan truyền mạnh mẽ trên Internet.
Trong vụ thảm sát này, nghi phạm Brenton Harrison Tarrant đã đồng thời ghi hình và phát trực tiếp hành vi tội ác của mình lên mạng xã hội Facebook.
Đoạn video dài 17 phút này không chỉ ngang nhiên xuất hiện trên mạng xã hội mà còn gần như không thể xóa được tận gốc.
Facebook sau đó cho biết đã xóa 1,5 triệu video trên toàn cầu trong vòng 24 tiếng đồng hồ đầu tiên sau vụ xả súng ở New Zealand, trong đó có 1,2 triệu video bị chặn trong quá trình được tải lên.
Tuy nhiên, việc đoạn phim này được sao chép và đăng lại trên nhiều nền tảng khác trên mạng như Reddit, Twitter hay Youtube, cũng như lan truyền trong các "ngóc ngách" khác trên Internet đã khiến các công ty công nghệ phải hứng chịu búa rìu dư luận khi không thể kiểm soát và ngăn chặn kịp thời việc phát tán các nội dung mang tính bạo lực, thù địch.
Vũ Đậu (T/h)