Công an TP.Hà Nội bắt đầu ra quân kiểm tra xử phạt các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế lợi dụng tình hình dịch virus Corona để bán khẩu trang với giá "cắt cổ'.
Dân trí đưa tin, tối 31/1, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP Hà Nội) phối hợp Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 Hà Nội kiểm tra, phát hiện hàng loạt cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế "hét giá" khẩu trang giữa thời điểm dịch virus Corona bùng phát nhằm trục lợi.
Sau khi rà soát, tổ công tác liên ngành kiểm tra cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trụ sở số 120 Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) do Nguyễn Thị Nhung (SN 1992, trú huyện Phú Xuyên) làm chủ.
Cảnh sát kiểm tra 2 cửa hàng chặt chém giá khẩu trang y tế - Ảnh: Dân trí |
Tại thời điểm kiểm tra, đại diện cửa hàng là Mai Hữu Chung (SN 1998) cho biết trong ngày 31/1, cửa hàng đã bán ra 30 hộp khẩu trang y tế với giá từ 130.000-220.000 đồng/hộp. Kiểm tra tại chỗ, tổ công tác đã tạm giữ 680 chiếc khẩu trang chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ.
Cũng trong đêm 31/1, tổ công tác tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế số 118 Ngọc Khánh do chị Nguyễn Thị Thu làm chủ. Đại diện cửa hàng khai báo nhận trong ngày đã bán ra 134 hộp khẩu trang y tế với giá cao gấp 6-7 lần bình thường (khoảng 300.000-350.000 đồng/hộp). Đây cũng là loại khẩu trang bình thường được bán với giá 50.000 đồng/hộp.
Sau khi kiểm tra cửa hàng, tổ công tác đã thu giữ 266 chiếc khẩu trang chưa xuất trình hóa đơn, chứng từ.
Trong khi đó, chia sẻ với Tuổi trẻ, Đại tá Phùng Anh Lê - Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế, cho biết nhiều cơ sở kinh doanh thiết bị y tế đã gom hàng, lợi dụng tình hình dịch virus Corona có nhiều diễn biến nhanh và phức tạp khiến người dân lo lắng để đẩy giá khẩu trang lên cao nhằm trục lợi.
Sau khi nhận được tin báo, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung nắm bắt tình hình và tiến hành kiểm tra hàng loạt cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên phố Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội).
Kết quả kiểm tra xác định chủ hai cơ sở kinh doanh thiết bị y tế số 118 và 120 phố Ngọc Khánh đã có hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, dịch bệnh và điều kiện bất thường... để định giá mua bán hàng hóa bất hợp lý được quy định tại Điều 17, Nghị định 109 của Chính phủ.
Tổ công tác liên ngành đã lập biên bản, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hai cơ sở này. Ngoài ra, theo quy định của Nghị định 109 - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, chủ cửa hàng còn phải nộp vào ngân sách số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán bất hợp lý.
Tổ công tác lập biên bản xử phạt một cửa hàng trên phố Ngọc Khánh bán khẩu trang "chặt chém" - Ảnh: Tuổi trẻ |
Trước đó, báo chí phản ánh, trong ngày 31/1, tại nhiều địa phương trên cả nước xảy ra tình trạng "cháy hàng" khẩu trang do lượng khách mua quá đông. Một số cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế đã hét giá khẩu trang gấn 5-7 lần nhưng vẫn hết hàng.
Khẩu trang 3M được nhiều người săn lùng, nhưng nhiều tiệm thuốc tây thông báo đã hết hàng. Giá bán trên các trang thương mại điện tử rất chênh lệch, có nơi bán chỉ 14.000 đồng/chiếc, nơi khác bán 150.000 đồng/chiếc. Một số người tiêu dùng cho biết hiện tại đã xuất hiện khẩu trang 3M giả nhái thương hiệu.
"Cháy hàng" khẩu trang ở nhiều nước châu Á
Trong bối cảnh tốc độ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra (nCoV) chưa có dấu hiệu dừng lại, nhu cầu về khẩu trang và dung dịch rửa tay của người dân tăng vọt. Hiện tại, tại nhiều quốc gia châu Á, việc đeo khẩu trang y tế đã trở thành chuyện bắt buộc khi ra đường hay ở chỗ đông người.
Tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), nhân viên bán hàng Varumporn Krataitohg cho biết lượng bán ra các sản phẩm tẩy trùng cũng như khẩu trang đã tăng từ tuần trước. Khách du lịch Trung Quốc tới mua nhiều, mỗi người thường mua từ hai đến 3 hộp khẩu trang.
Tại Nhật Bản, khi nhà chức trách công bố xác nhận 4 ca nhiễm virus corona mới tại nước này, các kệ hàng khẩu trang tại nhiều nơi đã trống trơn.
Nhà sản xuất đồ gia dụng và thiết bị gia đình lớn của Nhật là Iris Ohyama cho biết doanh số bán khẩu trang của họ trong tuần qua đã tăng gấp 3 so với tuần trước đó. Công ty này cũng đã yêu cầu một số công nhân của họ tại một trong hai nhà máy của công ty ở Trung Quốc rút ngắn thời gian nghỉ Tết Nguyên đán để trở lại làm việc.
Tại Hàn Quốc, khẩu trang cũng đang là mặt hàng bán chạy nhất tại chuỗi cửa hàng tiện lợi 24 giờ CU tại các sân bay, điểm dừng xe buýt, và các tụ điểm giao thông công cộng khác.
Ngoài khẩu trang, theo thông tin từ công ty mẹ của CU là Tập đoàn BGF Retail, doanh số bán xà bông, nước rửa tay và nước súc miệng cũng tăng hơn gấp đôi.
Quỳnh Chi (T/h)