(ĐSPL) - Được giao nhiệm vụ chở hàng đi gửi do công ty đang gặp nạn, Quyền lại cùng anh trai chở tài sản mang bán, chiếm đoạt tiền tỷ.
Theo tin từ báo Tiền Phong, ngày 9/11, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xét xử, bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm, qua đó buộc bị cáo Nguyễn Công Quyền (33 tuổi, ngụ xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) nhận 7 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”.
Nguyễn Công Quyền tại phiên tòa ngày 8/11. Ảnh: báo Tiền Phong |
Như báo Đồng Nai đã đưa tin trước đó, Quyền làm chủ quản hành chính của Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech (thuộc Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch).
Vào các ngày 13 và 14/5/2014, xảy ra vụ biểu tình rồi gây rối, đập phá, trộm cắp tài sản của các công ty trên địa bàn huyện Nhơn Trạch nên Ban giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech đề nghị Quyền đưa hàng của công ty đến gửi tại nhà các nhân viên để tránh thất thoát.
Nhận lệnh ban giám đốc, Quyền gọi điện cho anh trai Nguyễn Vương thuê xe ô tô tải đến công ty vận chuyển 39 tấn chì thỏi và 8 kiện hàng bình ắc quy đi gửi. Quá trình vận chuyển hàng, anh em Quyền đã bàn nhau chiếm đoạt 24 tấn chì trị giá gần 1,1 tỷ đồng của công ty. Sau khi đem bán hàng trộm của công ty, Quyền được Vương chia cho 10 cây vàng.
Đối với Vương, sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009) 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch tử nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
HẠNH VŨ (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]g9hRQqdTsm[/mecloud]