(ĐSPL) - Dù Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có công văn yêu cầu ngành đường sắt ngăn ngừa tình trạng đầu cơ vé tàu tết. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm trường hợp dù đã mua vé thành công trên mạng nhưng vẫn bị mất vé.
Tại ga Hà Nội và Sài Gòn, cảnh người đứng ngồi vạ vật chờ mua vé tàu Tết vẫn xảy ra. (Ảnh minh họa). |
Theo tin tức từ VOV, Bộ GTVT đã gửi Công văn hỏa tốc về tăng cường hoạt động của hệ thống bán vé điện tử tới Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam với nội dung: "Trong thời gian qua, hệ thống bán vé điện tử do Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam triển khai đáp ứng được một phần nhu cầu mua vé tàu của đông đảo nhân dân. Tổng Công ty cùng với các đối tác đã kịp thời khắc phục những bất hợp lý, duy trì vận hành ổn định của hệ thống bán vé điện tử."
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục yêu cầu Tổng Công ty tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng nhất cho hành khách có nhu cầu mua vé trên hệ thống bán vé điện tử; bảo đảm vé đến đúng hành khách có nhu cầu, ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng mua vé ảo và đầu cơ, buôn bán vé; tăng cường công tác rà soát, kiểm tra sự vận hành của hệ thống, duy trì chế độ trực 24/24 để kịp thời xử lý những bất hợp lý hoặc trục trặc (nếu có).
Tổng Công ty tiếp tục thu thập thông tin phản ánh từ người sử dụng bằng nhiều hình thức (tại ga, trên tàu, trên mạng), thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về mức độ tiện dụng, giao diện website, bảo đảm an ninh, an toàn… hệ thống để từng bước hoàn thiện nâng cấp hệ thống; tăng cường công tác quảng bá, kết nối với Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải".
Video tham khảo:
Hơn 1.000 website Việt Nam bị hacker tấn công trong 15 ngày
Tuy nhiên, theo ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, trong những ngày đầu tiên bán vé tàu Tết qua Internet (1-12/12), đã có khoảng 324 vé tàu được đặt thành công trên mạng nhưng người dân không nhận được vé.
Trao đổi với PV báo An ninh Thủ đô, ông Hoạch cho hay: "Do hành khách chuyển đổi phương thức thanh toán hoặc bị các đối tượng xấu truy cập bất hợp pháp vào hệ thống hủy chỗ của hành khách. Cơ quan hữu quan đã tìm ra hơn 20 địa chỉ ảo trên mạng của các hacker dùng để đầu cơ vé tàu và đã ngăn chặn kịp thời. Ngay sau khi xảy ra sự cố, VNR đã cùng với FPT tìm biện pháp khắc phục, hạn chế sự cố không để lan rộng và đảm bảo quyền lợi của hành khách".
Để khắc phục tình trạng hành khách bị "mất vé", Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã kéo dài thời gian giữ vé cho khách thêm từ 10 phút lên 30 phút, kéo dài thời gian giữ chỗ của phương thức thanh toán trực tuyến từ 24h lên 48h.