Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết nhằm ngăn Tổng thống Donald Trump tiếp tục hành động quân sự chống lại Iran, đồng thời khiển trách nhà lãnh đạo.
Hạ viện thông qua nghị quyết mới. Ảnh: AP |
Theo Đài CBS News, ngày 9/1, nghị quyết dựa theo bản gốc là nghị quyết quyền lực chiến tranh năm 1973 - đã được thông qua với 224 phiếu thuận và 194 phiếu chống.
Nghị quyết gồm 5 trang mới được Hạ viện thông qua chỉ thị cho tổng thống Mỹ dừng việc sử dụng quân đội để leo thang căng thẳng với Iran, trừ khi Quốc hội đã tuyên bố chiến tranh hoặc đã trao quyền một cách cụ thể, hoặc trừ khi vũ lực là cần thiết để bảo vệ nước này khỏi một cuộc tấn công cận kề.
Nghị quyết do nữ Hạ nghị sĩ Dân chủ Elissa Slotkin bảo trợ. Trước khi Hạ viện bỏ phiếu, bà Elissa Slotkin tuyên bố: "Nghị quyết này nhằm phát đi tín hiệu rõ ràng rằng nếu tổng thống muốn kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến, ông ấy cần nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội".
Nghị quyết được các thành viên Đảng Dân chủ công bố sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh tiến hành vụ không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq hôm 3/1, giết chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, thiếu tướng Qasem Soleimani.
Vụ việc đã khiến căng thẳng Mỹ - Iran dâng cao. Giới quan sát lúc bấy giờ đánh giá cuộc không kích đã đẩy Mỹ và Iran tới miệng hố chiến tranh.
Hôm 8/1, Iran đã trả đũa bằng cách nã hơn chục tên lửa vào các căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú ở Iraq, nhưng không khiến người Mỹ nào thiệt mạng.
Các thành viên Đảng Dân chủ đã kịch liệt chỉ trích chính quyền ông Trump vì không hỏi ý kiến Quốc hội về vụ không kích giết tướng Soleimani, đồng thời cáo buộc ông Trump thiếu thận trọng khi đưa ra quyết định như vậy.
"Người Mỹ không muốn chiến tranh với Iran. Với nghị quyết này, chúng ta bác bỏ quyền lực của tổng thống trong việc phát động một cuộc chiến như vậy" - chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel nói.
NBC cho biết, nghị quyết này thuộc loại “ưu tiên” (privileged), và vì vậy Thượng viện sẽ buộc phải bỏ phiếu đối với nghị quyết này hoặc một nghị quyết tương tự, vốn đã được Thượng nghị sĩ Tim Kaine, đảng Dân chủ, bang Virginia đề xuất.
Đây là điểm khác biệt so với dự luật - Chủ tịch Thượng viện có thể quyết định có đưa dự luật ra bỏ phiếu hay không.
Nếu được cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua, nghị quyết trên sẽ không cần ông Trump ký để có hiệu lực. Nghị quyết này được biết tới là "nghị quyết đồng lòng". Tuy nhiên, nghị quyết này sẽ gây ra nhiều tranh cãi vì không ràng buộc và phần lớn là mang tính biểu tượng.
Mộc Miên (Theo Reuters)