Trong hầu hết các cuộc xét xử luận tội, Phó tổng thống sẽ chủ trì. Tuy nhiên, trong phiên xử luận tội Tổng thống, chánh án Toà án tối cao sẽ chủ trì.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Ngày 18/12 (theo giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã chính thức thông qua việc luận tội Tổng thống Donald Trump với 230 phiếu thuận và 197 phiếu chống đối với điều khoản luận tội đầu tiên là lạm dụng quyền lực.
Số phiếu thuận của các thành viên đảng Dân chủ trong Hạ viện là 216 - con số cần thiết để tiến hành luận tội Tổng thống.
Điều khoản thứ 2 luận tội Tổng thống Trump là cản trở Quốc hội sau đó cũng đã được thông qua với tỷ lệ 229 phiếu thuận và 198 phiếu chống.
Quá trình luận tội
Quyền luận tội các quan chức được ghi trong Hiến pháp Mỹ ở khoản 2 và 3 của Điều 1, khoản 4 của Điều 2.
Theo Hiến pháp Mỹ, cơ quan duy nhất có quyền luận tội là Hạ viện. Chánh án Tòa án Tối cao có nghĩa vụ chủ trì phiên xử luận tội ở Thượng viện.
Luận tội là một thủ tục gồm 3 bước, khởi đầu là một cuộc điều tra của Hạ viện – thường bắt đầu từ Uỷ ban Tư pháp Hạ viện. Tuy nhiên, nó cũng có thể do một số cơ quan khác khởi xướng như Uỷ ban Tư pháp Thượng viện.
Tiếp đó, Hạ viện sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu về luận tội. Nếu cuộc bỏ phiếu được thông qua, quan chức “mục tiêu” sẽ bị cân nhắc “luận tội” nhưng nó không đảm bảo dẫn tới việc quan chức đó phải rời vị trí.
Quan chức bị luận tội sau đó sẽ bị xét xử ở Thượng viện. Nếu 2/3 số phiếu ở Thượng viện ủng hộ luận tội thì quan chức bị nhắm tới sẽ bị kết tội và bị cách chức.
Trong hầu hết các cuộc xét xử luận tội, Phó tổng thống sẽ chủ trì. Tuy nhiên, trong phiên xử luận tội Tổng thống, chánh án Toà án tối cao sẽ chủ trì.
Ai sẽ lên thay thế?
Trong trường hợp Thượng viện kết tội ông Trump, Phó tổng thống Mike Pence sẽ trở thành Tổng thống trong phần còn lại của nhiệm kỳ, vốn kết thúc vào 20/1/2021.
Trong lịch sử nước Mỹ, chỉ có 19 quan chức dân sự bị luận tội cho đến nay và 8 người đã phải rời khỏi nhiệm sở. Trong số 19 trường hợp đó, 15 người là thẩm phán liên bang và 8 người trong số 15 phải từ chức.
Hai Tổng thống Mỹ cũng từng bị luận tội, đó là Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998. Tuy nhiên, cả hai trường hợp này đều không vượt qua được Thượng viện, vì vậy hai Tổng thống vẫn không phải từ chức. Tuy nhiên, một trường hợp ngoại lệ đó là Tổng thống Nixon đã từ chức trước khi đề nghị luận tội được tiến hành.
Mộc Miên (T/h)