Nhiều năm nay nạn “gỗ tặc” đã trở thành vấn đề nhức nhối cả nước. Mặc dù, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương “đóng cửa rừng” cấm khai thác, nhưng tại một số địa phương vẫn xảy ra.
Gỗ do “lâm tặc”…biến thành củi
Đầu tháng 1/2019 nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về tình trạng khai thác gỗ lậu trên địa bàn xã Kỳ Lạc, chúng tôi tức tốc lên đường tìm hiểu sự tình.
Từ ngã ba Việt Lào, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh xuôi theo đường 12 đi về phía Tây chừng hơn 20 km, đến ngã ba Kỳ Lâm rồi rẽ trái chừng 10 km chúng tôi vào UBND xã Kỳ Lạc để xác minh.
Đập trước mắt chúng tôi, ngay trước trụ sở Ủy ban là một đống gỗ lớn nằm ngổn ngang, được cắt thành từng khúc có chiều dài hơn 1m, đường kính lớn nhỏ trung bình từ 10 cm trở lên, có khúc có đường kính hơn 30 cm.
Gỗ lậu ngổn ngang được chất đống trong trụ sở UBND
Tiếp xúc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Hiên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đây là số lượng “củi” mà chính quyền địa phương cùng Kiểm lâm phụ trách địa bàn phối hợp bắt được trong 2 vụ đầu tháng nay. Chính quyền chỉ thu được tang vật chứ không bắt được “lâm tặc”. Hiện đang chờ xử lý vì Chủ tịch xã đi vắng”.
Một điều bất thường, khi phóng viên xin tiếp cận với Biên bản thu giữ tang vật mà bà Hiên nói là “lâm tặc” nhưng là “củi” thì bà nại đủ lý do để từ chối cung cấp và hẹn sẽ chuyển cho chúng tôi vào dịp khác.
Sau khi chờ mãi không thấy phản hồi, ngày 17/1/2019, chúng tôi tiếp tục lặn lội vào trụ sở UBND xã Kỳ Lạc để tìm hiểu, điều tra, xác minh số lượng “củi” nói trên ở đâu ra và như thế nào?
Nhưng đống “củi” lớn ngay trước trụ sở Ủy ban, như bà Hiên nói, mà chúng tôi đã chụp hình, quay phim cách đây 2 tuần đã “không cánh mà bay”.
Chúng tôi tiếp tục gặp bà Hiên để trao đổi thì được bà cho biết: “Số “củi” trên sau khi được sự đồng ý của Chủ tịch UBND là ông Nguyễn Thái Toàn đã được bán với giá 5 triệu đồng cho một người tại xã Kỳ Lâm, Kỳ Anh. Tổng khối lượng đống “củi” đó là 10 ste (tương đương 7 m3). Lúc bán xã có hóa đơn, chứng từ đầy đủ”.
Cũng như lần trước, khi chúng tôi đề nghị cho xem hóa đơn, giấy tờ liên quan khi bán số “củi” này, bà Phó Chủ tịch Hiên lại từ chối cung cấp và thoái thác với đủ lý do.
Hình ảnh chúng tôi cắt từ clip ra, không phải là “củi” mà là gỗ. Tại sao một khối lượng lớn do “lâm tặc” khai thác, bị bắt lại thành củi và biến mất một cách bí ẩn như vậy? Phải chăng chính quyền xã Kỳ Lạc, Kiểm lâm phụ trách địa bàn đã có ý đồ gì đó trong việc này?
Những người liên quan nói “củi”, luật quy định đó là gỗ
Để tìm hiểu rõ vụ việc bất thường này, phóng viên chúng tôi đã liên lạc với ông Lê Khắc Hữu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh. Qua điện thoại ông Hữu nói: “Tôi có biết việc này, số lượng vào khoảng 12,5 m3. Đây là tang vật được bắt giữ qua 2 vụ tại địa phương và là “củi” chứ không phải gỗ. Việc thanh lý như thế nào là thuộc thẩm quyền của xã chứ không phải thuộc thẩm quyền của kiểm lâm”.
Sáng ngày 18/1, chúng tôi có buổi làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh tại trụ sở Trạm Kiểm lâm Kỳ Hợp của huyện này. Đại diện phía Kiểm lâm có ông Nguyễn Hữu Hảo, Hạt phó; Ông Nguyễn Văn Ký, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Kỳ Hợp phụ trách địa bàn xã Kỳ Lạc và ông Dương Thanh Huy, kiểm lâm viên.
Tại buổi làm việc, ông Ký cho biết: “Khi thu giữ được số gỗ nói trên thì ông Nguyễn Văn Chiến, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn có báo cáo ngay với tôi. Biên bản thu giữ tang vật do Chiến lập và giữ luôn. Hiện trạm cũng không giữ tài liệu này. Tôi nói đây là “củi” chứ không phải gỗ”.
Còn ông Hảo, Hạt phó thừa nhận quá trình thu giữ và xử lý vụ việc này như sau: “Kiểm lâm huyện đã sai và có trách nhiệm liên quan khi số gỗ trên đã biến mất. Việc bán gỗ trên của xã Kỳ Lạc mà chưa hết thời gian thông báo công khai và không qua các thủ tục như quy định là trái luật”.
Theo quy định tại Nghị định số 157/2013/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 11/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Tại khoản 3, Điều 3 của Nghị định có nêu rõ: “Gỗ tròn: Bao gồm gỗ nguyên khai, gỗ đẽo tròn, gỗ lóc lõi có đường kính đầu nhỏ từ 10 cm đến dưới 20 cm, chiều dài từ 1 m trở lên hoặc có đường kính đầu nhỏ từ 20 cm trở lên, chiều dài từ 30 cm trở lên. Riêng đối với gỗ rừng trồng, rừng tràm, rừng đước, rừng ngập mặn có đường kính đầu nhỏ từ 6 cm trở lên, chiều dài từ 1m trở lên. Đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm không phân biệt kích thước.”
Tại khoản 4 điều này này cũng nêu rõ thế nào là củi: “Củi được khai thác từ thực vật rừng thân gỗ, là bộ phận của chúng có kích thước nhỏ hơn đối với quy cách gỗ tròn quy định tại Khoản 3 Điều này hoặc các phế liệu của chúng sau chế biến.”
Các quy định của pháp luật rõ ràng như vậy, tại sao Kiểm lâm huyện Kỳ Anh, nhất là các Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn và các cán bộ chính quyền xã Kỳ Lạc là người có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng lại không biết thế nào là gỗ, là củi?
Trước việc Hạt phó Kiểm lâm thừa nhận là gỗ và Kiểm lâm có trách nhiệm, còn Kiểm lâm viên thì bảo là “củi” và xã cũng vậy….Để rộng đường dư luận, chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc ở bài viết sau...
NPV