(ĐS&PL) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sự đầu tư hạ tầng chưa tương xứng với tiềm năng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Mở đầu Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) ngày 6/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ ngành, địa phương không cần nói thành tích, mà đi sâu vào hạn chế, yếu kém để tìm ra giải pháp. Sau đó, lãnh đạo các ngành, địa phương và giới chuyên gia dành khá nhiều thời lượng để nói về trở ngại hạ tầng, giao thông của vùng hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị sáng 6/5. Ảnh: Phước Tuấn
Đầu tiên, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM thẳng thắn đánh giá, việc phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông của khu vực, nếu nhìn về lâu dài, là không ổn. Ông dẫn chứng, hiện ở TP HCM cứ một km2 thì có 2,1 km đường trong khi theo tiêu chuẩn phải là một km2 có 10 km đường. "Cứ 5 năm, TP HCM thêm một triệu dân, lượng xe máy cũng tăng tương đương khiến ùn tắc, giao thông trở nên khó khăn", ông Nhân nói.
Để phát triển, Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng, cần rà soát quy hoạch vùng về kinh tế, giao thông, đặc biệt là việc phân bổ ngân sách sao cho phù hợp. Ông Nhân đánh giá mức phân bổ ngân sách hiện nay quá thấp so với đóng góp kinh tế mà vùng này mang lại cho cả nước.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công trở lại sau thời gian đình trệ. Ảnh: Cửu Long.
Bổ sung về hạn chế hạ tầng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đề cập tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, cảng biển Cái Mép - Thị Vải thiếu đồng bộ trong kết nối với giao thông đường bộ, tuyến đường sắt Bắc - Nam cũ kỹ. Theo ông, giao thông đô thị đang là "điểm nghẽn nghiêm trọng" của vùng kinh tế trọng điểm này.
Đồng quan điểm trên, TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM cho rằng, giao thông kết nối và phát triển đô thị vùng là hai vấn đề quan trọng nhất với sự phát triển của vùng kinh tế đứng đầu cả nước.
Còn Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhìn nhận, không nên đánh giá vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ở đóng góp vào GRDP hay thu ngân sách, vì như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề hiện nay.
"Chính phủ nên có chiến lược dài hạn và thể chế hiến định, các địa phương cần được giao quyền lực. Trước mắt, cần phân cấp, phân quyền cho địa phương để chủ động, sáng tạo trong điều hành. Ngoài ra, cần lập tổ tư vấn và liên kết vùng về mặt doanh nghiệp", ông Thiên nói.
Về vấn đề giao thông, với tư cách chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, năm 2020 phải khởi công xây dựng sân bay Long Thành và đường cao tốc TP HCM - Mỹ Thuận - Cần Thơ cần hoàn thành vào năm 2021.
Ngoài ra, ông lưu ý vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, cơ chế chính sách phát triển vùng chưa hoàn thiện, chưa có tính đột phá, thậm chí còn nhiều khó khăn. Liên kết giữa các địa phương, vùng vẫn còn manh mún, mạnh ai nấy làm, cơ chế tổ chức điều hành vùng vẫn còn nhiều bất cập, chưa khoa học hợp lý.
"Để phát triển kinh tế vùng, các địa phương cần phối hợp, tận dụng cách mạng 4.0 để nâng cao tay nghề lao động, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất; đặc biệt tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang. Năm 2018, tổng GRDP của vùng này đạt khoảng 2,517 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,42% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm thời kỳ 2016 - 2018 của vùng đạt khoảng 6,72%; thu nhập bình quân đầu người của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt 5.474 USD một người năm 2018, gấp 2,12 lần so với bình quân của cả nước. |
Phước Tuấn/Vnexpress.net