Theo tin tức thời sự Hà Nội mới nhất trên báo Giáo dục & Thời đại, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các đơn vị, trường học hướng dẫn tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023.
Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường tiếp tục tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt trong đợt cao điểm từ ngày 15/10 - 15/11 gắn việc hưởng ứng Ngày Pháp luật với tổng kết cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn thành phố.
Hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2023 tập trung vào một số nội dung như: Tiếp tục tuyên truyền về sự ra đời, ý nghĩa của Ngày Pháp luật; đẩy mạnh phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phổ biến các chính sách, pháp luật của trung ương, thành phố có nội dung liên quan trực tiếp đến lĩnh vực giáo dục.
Truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường thông tin tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô và các văn bản của Trung ương, thành phố.
Các đơn vị, nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền về quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục; quy tắc ứng xử nơi công cộng; quy tắc ứng xử trên môi trường mạng; kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hướng tới mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, nhân viên, học sinh; đưa việc học tập, tìm hiểu pháp luật, tuân thủ pháp luật trở thành công việc tự thân, thói quen hằng ngày tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.
Dịp này, các đơn vị, nhà trường cũng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong việc xây dựng, bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao ý thức để mỗi cán bộ, viên chức, giáo viên, nhân viên và học sinh chủ động tìm hiểu pháp luật.
Căn cứ vào điều kiện thực tế, các đơn vị, nhà trường tổ chức hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam thông qua sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp. Tổ chức ngày hội pháp luật, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, đối thoại. Phối hợp với Hội Luật gia, Đoàn luật sư thành phố để mời các chuyên gia về nói chuyện chuyên đề, tư vấn pháp luật cho cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên, học sinh.
Sở GD&ĐT đề nghị các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn hình thức tổ chức Ngày Pháp luật phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức hưởng ứng một cách linh hoạt, tiết kiệm và có sức lan tỏa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường xã hội hóa trong thực hiện.
Sở GD&ĐT đề nghị các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn hình thức tổ chức Ngày Pháp luật phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức hưởng ứng một cách linh hoạt, tiết kiệm và có sức lan tỏa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường xã hội hóa trong thực hiện.
Các đơn vị chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền phù hợp; thiết kế mẫu băng rôn, pano, áp pích, cờ, phướn... về Ngày Pháp luật có thể tham khảo tại chuyên mục “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, theo báo Kinh tế đô thị.
Vân Anh (T/h)