Với mục tiêu từ nay đến năm 2020 trồng mới 1 triệu cây xanh, Hà Nội đang rầm rộ triển khai việc trồng cây xanh nhiều nơi, nhiều khu vực trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc trồng 1 triệu cây xanh cần được tính toán khoa học và hiệu quả, đảm bảo về cảnh quan môi trường và an toàn khi mùa mưa bão đến.
Những cây xanh vừa được trồng dưới đường dây lưới điện cao thế ở đường Trần Quang Khải. |
Cứ có đất là trồng!
“Việc thành phố trồng thêm nhiều cây xanh trên các tuyến phố là chủ trương tốt, nhưng nếu trồng ồ ạt theo kiểu cứ có đất trống là trồng cây thì cũng phải xem xét. Bởi thời gian qua, ngoài dải phân cách giữa các tuyến phố, việc trồng cây xanh ở dưới gầm cầu đường sắt đô thị, đặc biệt ở dưới lưới điện cao áp đã khiến cho người dân lo ngại”, ông Lê Hoàng Tùng, một người dân ở đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm) tâm sự.
Không chỉ người dân, Cty Lưới điện cao thế Hà Nội (thuộc Tổng Cty Điện lực Hà Nội), mới đây cũng có văn bản về việc trồng cây xanh ở dọc đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao thế 110kV. Cụ thể, Cty Công viên cây xanh Hà Nội đã triển khai trồng các cây bàng Đài Loan trên dọc tuyến đường Trần Nhật Duật và đường Trần Quang Khải. Nhiều vị trí trồng cây nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình điện cao áp, tuyến đường dây lộ (Tây Hồ-Yên Phụ, Bờ Hồ) và tuyến đường dây lộ (Mai Động-Bờ Hồ).
Theo lý giải của Cty Công viên cây xanh Hà Nội, một số vị trí cây trồng nằm dưới đường điện cao thế có đường kính từ 10-15cm; chiều cao 5m. Công ty sẽ thường xuyên thực hiện cắt sửa để khống chế chiều cao cây sau khi phát triển ổn định khoảng 5m.
Theo tìm hiểu, chương trình trồng thêm 1 triệu cây xanh (giai đoạn 2016- 2020) trên địa bàn Hà Nội chính thức bắt đầu từ ngày 5/6. Đến thời điểm này theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng, Hà Nội đã trồng mới được khoảng hơn 6 nghìn cây xanh trên 30 tuyến phố. Các cây đang được trồng ở các tuyến phố do Cty Công viên xanh cây Hà Nội thực hiện có đường kính từ 10-12 cm.
“Trong số 1 triệu cây xanh mà thành phố trồng chủ yếu là loại cây đô thị, có nhiều loại cây được nhập từ nước ngoài. Chúng tôi sẽ triển khai trồng đồng bộ, chẳng hạn như tuyến đường Võ Nguyên Giáp chuyên trồng hoa ban, còn một số tuyến phố chuyên trồng cây phượng…”, vị lãnh đạo Cty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết.
Cẩn trọng
Tại Hội nghị giao ban với lãnh đạo các sở, ngành mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, về vấn đề trồng cây xanh Ban cán sự UBND thành phố đang xây dựng đề án. “1 triệu cây xanh chúng ta sẽ trồng, phát triển trên các tuyến phố cũ, trên các tuyến đường mới, trong các công viên cũ, công viên mới.
Kế hoạch từ nay đến năm 2020 thành phố sẽ xây dựng 25 công viên mới. Từ đầu năm đã khởi công được 5 công viên mới rồi. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục”, ông Chung nói. Cũng theo lãnh đạo Hà Nội, lượng cây xanh mới cũng sẽ được trồng trên tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học. Đặc biệt, Hà Nội sẽ tổ chức trồng 500 ha rừng. “Đề nghị các cơ quan, quận huyện rà soát những đơn vị nào còn đất trống thì phải triển khai, tổ chức trồng cây”, ông Chung yêu cầu.
Theo ông Chung, thành phố đã giao cho Cty Công viên cây xanh và một số công ty khảo sát trồng các cây xanh trên các dải phân cách giữa. Sau khi trồng cây xong, sẽ cắt toàn bộ tiền duy tu, cắt tỉa, chăm sóc vườn hoa cây cảnh ở trên các tuyến đường có dải phân cách. Trên các tuyến đường như Đại lộ Thăng Long, Đại lộ Võ Nguyên Giáp từ ngày 1/7, chuyển sang trồng toàn bộ cây xanh ở khu vực dải phân cách và không bố trí kinh phí để duy tu các cây cảnh cũng như việc cắt cỏ ở đây nữa.
“Cho đến thời điểm này đã cắt tỉa được 31 nghìn cây trên 32 tuyến phố, trồng được 6 nghìn cây trên 30 tuyến phố. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai theo kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh và các vấn đề tiếp theo. Về mặt chỉnh trang cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ, Sở đã tham mưu cho thành phố phương thức cũng như kế hoạch và bây giờ đang triển khai”, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết.
Trao đổi với Tiền Phong, TS. KTS Phó Đức Tùng, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lâm nghiệp đô thị (Đại học Lâm Nghiệp) cho rằng, trồng cây xanh trong đô thị phải tính toán kỹ về loại cây, đất đai sao cho phù hợp, chứ không thể “có đất là trồng”, bởi Hà Nội hiện nay có quá nhiều công trình ngầm (cáp điện, cáp viễn thông, thoát nước…), cộng thêm việc bê tông hóa vỉa hè, khiến bộ rễ cây phát triển kém, dễ đổ ngã khi gặp mưa bão... “Không thể trồng theo kiểu khoét lỗ rồi cắm cây xuống đất được. Đây là cách trồng phi khoa học, cây không thể phát triển được”, ông Tùng nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, theo quy định Hà Nội được phép trồng khoảng 35 chủng loại cây trong dự án 1 triệu cây xanh. Tuy nhiên, trồng cây nào, trên tuyến phố nào là phù hợp, đảm bảo tỷ lệ sống cao và an toàn khi mùa mưa bão đến là vấn đề cần phải tính toán cẩn thận. |
TÚ ANH - TRƯỜNG PHONG
Nguồn: Tiền Phong
Xem thêm video:
[mecloud]XZ0UvJpom1[/mecloud]