(ĐSPL) - Ở Hà Nội, xe buýt nhanh được quy hoạch lâu dài trên 8 tuyến, khi có lưu lượng lớn sẽ chuyển thành đường sắt đô thị.
Tin tức trên báo Giao thông, theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xe buýt nhanh được quy hoạch lâu dài trên 8 tuyến và 3 tuyến quá độ khi có lưu lượng lớn sẽ chuyển thành đường sắt đô thị hoặc monorail (đường một ray).
Theo đó, 8 tuyến xe buýt nhanh (BRT) gồm: 1- Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa (chiều dài khoảng 14 km); 2- Ngọc Hồi - Phú Xuyên (27 km); 3- Sơn Đồng - Ba Vì (20 km); 4- Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên (15 km); 5- Gia Lâm - Mê Linh (30 km); 6- Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - QL5 - Lạc Đạo (53 km); 7- Bà Là - Ứng Hòa (29 km); 8- Ứng Hòa - Phú Xuyên (17 km).
Ngoài ra, xây dựng mới các bến xe khách liên tỉnh kết hợp các điểm đầu cuối xe buýt tại mỗi khu vực: Khu đô thị trung tâm gồm: 1- Bến xe (Yên Nghĩa (quận Hà Đông) diện tích khoảng 7 ha; 2- Bến xe phía Đông Bắc (Cổ Bi, huyện Gia Lâm) diện tích khoảng 8 - 10 ha; 3- Bến xe phía Nam (Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) diện tích khoảng 11 ha; 4- Bến xe Đông Anh diện tích khoảng 5,3 ha; 5- Bến xe Phùng (huyện Đan Phượng) diện tích khoảng 8 - 10 ha; 6- Bến xe phía Tây (huyện Quốc Oai) diện tích khoảng 5 - 7 ha; 7- Bến xe phía Bắc (Nội Bài) diện tích khoảng 5 - 7 ha.
Hà Nội sắp có thêm bến xe mới phục vụ hành khách hiệu quả hơn - Ảnh: Tạ Tôn. |
Khu đô thị vệ tinh gồm: Bến xe Phú Xuyên diện tích khoảng 5 ha; bến xe Xuân Mai diện tích khoảng 5 ha; bến xe Nam Hòa Lạc diện tích khoảng 5 ha; bến xe Bắc Hòa Lạc diện tích khoảng 5 ha; bến xe Sơn Tây 2 diện tích khoảng 5 ha; bến xe Nam Sóc Sơn diện tích khoảng 5 ha; bến xe Bắc Sóc Sơn diện tích khoảng 5 ha.
Tri thức trực tuyến đưa thông tin, một số tuyến đường sắt đô thị khi chưa xây dựng có thể sử dụng hình thức xe buýt nhanh: Tuyến số 4, số 8 và tuyến Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.
Theo thực tế giao thông của từng giai đoạn, có thể xem xét bố trí tuyến xe buýt nhanh trên một số tuyến đường có đủ điều kiện về hạ tầng.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự án BRT có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của WB, triển khai từ đầu năm 2013. Phần BRT đã được Bộ Xây dựng thẩm định và UBND TP Hà Nội phê duyệt với chiều dài 14,7 km từ Bến xe Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông).
Như dự kiến, tuyến BRT đầu tiên của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng bắt đầu hoạt động từ năm 2015, sẽ chạy với tần suất 3 - 5 phút/chuyến, mỗi chuyến chở được 90 hành khách, tốc độ di chuyển 20 - 22 km/h. Hành khách sử dụng dịch vụ BRT phải mua vé từ, được tự động soát vé khi vào nhà chờ và lên xe.
BẢO KHÁNH(Tổng hợp)
[mecloud]sQhoUn2d7E[/mecloud]