UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024 tại quận Bắc Từ Liêm. Trong 5 dự án được bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm nay có 2 dự án nhà ở là: Khu tổ hợp Phú Diễn - Ecity Phú Diễn và Tổ hợp dịch vụ công cộng, thương mại kết hợp nhà ở cao cấp Tây Hồ Tây tại lô đất H4HH1 khu đô thị Tây Hồ Tây (khu đô thị Starlake).
Khu tổ hợp Phú Diễn - Ecity Phú Diễn do CTCP Tư vấn đầu tư phát triển công nghiệp châu Á làm chủ đầu tư và dự kiến triển khai từ quý I/2024 đến quý IV/2028. Dự án rộng khoảng 8,7 ha nằm trên địa bàn phường Phú Diễn, tổng mức đầu tư khoảng 4.100 tỷ đồng, thông tin từ Znews
Theo quy hoạch, khu Tổ hợp Phú Diễn - Ecity Phú Diễn cung cấp nhiều sản phẩm gồm trung tâm chăm sóc sức khỏe, chung cư, biệt thự, trường mầm non...
Dự án Tổ hợp dịch vụ công cộng, thương mại kết hợp nhà ở cao cấp Tây Hồ Tây tại lô đất H4HH1 thuộc khu đô thị Starlake có diện tích 1,8 ha với 3 tòa chung cư, văn phòng. Dự án do CTCP Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific) làm chủ đầu tư.
Khu đô thị Starlake do doanh nghiệp Hàn Quốc Deawoo E&C làm chủ đầu tư, hiện là một trong những khu đô thị cao cấp tại Hà Nội, cung cấp nhiều sản phẩm như chung cư, biệt thự, nhà phố, khách sạn, khu thương mại...
Hiện chung cư thuộc khu đô thị Starlake được rao bán với giá từ 120 triệu đồng/m2, còn biệt thự, shophouse dao động 350 - 500 triệu đồng/m2.
Hồi đầu tháng 10, Deawoo E&C cũng đã khởi công Khu phức hợp thương mại văn phòng và nhà ở cao cấp lô K8HH1 tại khu đô thị Starlake. Khu đất xây dự án nằm tiếp giáp với tuyến đường rộng 40 m nối từ đường Nguyễn Văn Huyên sang Võ Chí Công. Giá bán dự kiến không thấp hơn chung cư Starlake giai đoạn 1.
Sau 4 năm liên tiếp khan hiếm nguồn cung, thị trường nhà ở Hà Nội hiện đón nhận nhiều dự án mới. Một loạt khu đô thị với các sản phẩm chính như chung cư, nhà phố, biệt thự... đang đổ bộ thị trường, đặc biệt ở khu vực ngoại ô thành phố như: Đông Anh, Gia Lâm. Tuy nhiên, giá bán các sản phẩm mới vẫn neo ở mức cao, tập trung ở phân khúc cao cấp, hạng sang.
Gần 10 năm Hà Nội chưa xây được dự án NƠXH nào bằng vốn ngân sách
Thông tin từ Vietnamnet, tại hội thảo khoa học "Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn" diễn ra ngày 14/11, Sở Xây dựng cho hay, đến nay, thành phố đã hoàn thành 30 dự án NƠXH, với khoảng 1,66 triệu m2 sàn; 58 dự án đang triển khai, với khoảng 4 triệu m2 sàn, 60.480 căn hộ.
Ngoài ra, có 83 ô đất với tổng quy mô sử dụng đất khoảng 43,58ha tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20-25% để xây dựng NƠXH theo quy định.
Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố vẫn hạn chế. Đơn cử, từ năm 2015 đến nay, chưa có dự án NƠXH nào được đầu tư bằng vốn ngân sách.
Ngoài ra, số lượng các dự án NƠXH phát triển mới còn hạn chế, các dự án đầu tư xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân đang triển khai đều chậm so với tiến độ được duyệt...
Lý giải những hạn chế trên, Sở Xây dựng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian. Việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án tại các quỹ đất xây dựng NƠXH còn vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý về tài sản công...
Đồng thời, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án NƠXH chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút doanh nghiệp tham gia, nhất là các dự án NƠXH khu vực ngoại thành và NƠXH cho đối tượng là công nhân, sinh viên...
Các văn bản pháp luật hiện nay (kể cả Luật Nhà ở năm 2023) chỉ quy định UBND cấp tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án NƠXH, chưa quy định hỗ trợ đầu tư các công trình bên trong dự án, do vậy chưa thu hút được các nhà đầu tư hoặc không đáp ứng hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư khi triển khai dự án.
Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ được quy định những nội dung thuộc thẩm quyền, chưa được chủ động xây dựng những cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù riêng để thu hút đầu tư.
Sử dụng ngân sách thành phố làm hạ tầng, giảm giá bán
Sở Xây dựng cho rằng, dự án xây dựng NƠXH khu vực ngoại thành chưa nhiều do nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng khung còn ít. Hệ thống đường giao thông trọng điểm kết nối khu vực ngoại thành với trung tâm thành phố chưa thuận tiện cũng là lý do chưa thu hút nhà đầu tư và người mua NƠXH.
Luật Thủ đô năm 2024, tại khoản 2 Điều 29 đã bổ sung thêm cho phép HĐND thành phố quyết định sử dụng ngân sách thành phố để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu trong các dự án đầu tư xây dựng NƠXH độc lập.
Việc này, theo Sở Xây dựng Hà Nội, sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được giảm chi phí đầu tư xây dựng, tăng lợi nhuận để giảm giá bán, cho thuê, cho thuê mua NƠXH.
HĐND thành phố, UBND thành phố cũng đã ban hành các quyết định, kế hoạch giao các sở, ngành triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định một số chính sách về đầu tư xây dựng NƠXH độc lập.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nhằm dự phòng bù đắp chỉ tiêu (căn hộ) còn thiếu theo Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ và gối đầu triển khai đầu tư NƠXH sau năm 2023, UBND TP tập trung chỉ đạo lập, phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án khu NƠXH độc lập (tập trung) với khoảng 1 triệu m2 sàn, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
UBND TP Hà Nội đang xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án NƠXH tại Tiên Dương, Đông Anh, phấn đấu khởi công dự án trong năm 2024.
Hồi tháng 5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng yêu cầu các sở, ngành địa phương cam kết khởi công ít nhất một dự án NƠXH trước ngày 1/10. Tuy nhiên, đã quá thời hạn mà thành phố vẫn chưa thể thực hiện.