Khi bị mắc quai bị, thay vì đến bệnh viện chị H. đã tự mua kháng sinh về uống chỉ đến khi đau đầu dữ dội và buồn nôn chị mới nhập viện. Tại đây, các bác sỹ chẩn đoán chị đã viêm màng não.
Nguồn tin từ bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân P.T.H.H (35 tuổi, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào Khoa Truyền nhiễm với triệu chứng sốt, đau đầu, sưng mang tai 1 tuần trước khi vào viện. Điều đáng nói là trước đó con trai 5 tuổi và chồng chị đều mắc quai bị. Thay vì đi khám tại cơ sở y tế, chị H. đã tự mua thuốc về điều trị. Uống kháng sinh 5 ngày không đỡ, lại có biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn. Đến lúc này, chị mới vào viện. Tại Khoa Truyền nhiễm, xét nghiệm dịch màng não tủy, chị được xác định mắc quai bị biến chứng lên viêm màng não.
Một bệnh nhân mắc quai bị được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: báo Dân Việt |
Theo TS. Đỗ Duy Cường – Trưởng Khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai: Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại Paramyxo-virus tấn công chủ yếu các tuyến ngoại tiết, thông thường là tuyến nước bọt mang tai. Bệnh quai bị lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi.
Bệnh nhân quai bị có khả năng lây truyền virus 3 ngày trước khi có biểu hiện lâm sàng (trước khi sưng tuyến nước bọt) cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh là 1-2 tuần. Các biến chứng của bệnh quai bị thường gặp là viêm tinh hoàn ở nam giới sau tuổi dậy thì, viêm tuỵ cấp, viêm buồng trứng (nữ giới sau tuổi dậy thì), nặng hơn có thể gây viêm não- màng não...
Tất cả mọi người chưa từng bị quai bị lúc còn nhỏ hoặc chưa được tiêm phòng vắc xin ngừa quai bị đều có khả năng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Các chuyên gia khuyến cáo tiêm vắc-xin hỗn hợp 3 trong 1 (MMR- sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả 3 bệnh này.
Hoàng Giang (T/h)