Phùng Thị Mười trực tiếp hoặc cùng các đồng phạm, thông qua các đối tượng trung gian để lừa đảo chiếm đoạt tiền của 137 người lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động và 2 bị hại đưa tiền nhờ Mười xin việc.
Trong các ngày 8-9/6, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử đối với Phùng Thị Mười (SN 1972, ở Nam Định), Trần Thị Sen (SN 1947 ở quận Đống Đa, Hà Nội) và Lương Văn Hiếu (SN 1988, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Vietnamfinance |
Quá trình xét xử đã làm rõ, từ năm 2015-2018, mặc dù không có chức năng, không có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan nhưng Phùng Thị Mười vẫn đưa ra thông tin gian dối, tự xưng là Phó Giám đốc CTCP Thương mại XNK Việt Nhật Đông (ở TP.HCM), khoe có người quen làm ở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Mười hứa hẹn là có khả năng lo thủ tục đưa người đi xuất khẩu lao động trong thời gian 5 năm, chi phí từ 10.000 USD - 13.000 USD, thời gian xuất cảnh từ 3-6 tháng sau khi nộp đủ tiền tùy vào từng vị trí như bán hàng, đầu bếp, thuyền viên đánh cá, cơ khí…
Để thực hiện hành vi, năm 2017, Mười thuê Lương Văn Hiếu làm trợ lý tuyển dụng với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Còn Trần Thị Sen là người chịu trách nhiệm tìm nguồn lao động. Mỗi trường hợp Sen giới thiệu sẽ được hưởng 1.000 USD.
Cơ quan tố tụng xác định, Sen giữ vai trò tích cực trong việc giúp Mười chiếm đoạt tiền của 19 người bị hại, hưởng lợi gần 2 tỷ đồng.
Với thủ đoạn trên, Phùng Thị Mười đã trực tiếp hoặc cùng các đồng phạm, thông qua các đối tượng trung gian để lừa đảo chiếm đoạt tiền của 137 người lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động và 2 bị hại đưa tiền nhờ Mười xin việc.
Tại phiên toàn, bị cáo đã thừa nhận trực tiếp nhận tiền của 86 lao động với tổng số tiền trên 17 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền Mười không thực hiện cam kết và cũng không trả lại tiền cho các bị hại.
Ngoài ra, Phùng Thị Mười còn cầm số tiền 250 triệu đồng của một bị hại để hứa hẹn xin cho người này vào làm việc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 TP Hà Nội. Mười không thực hiện được nhưng cũng không trả lại tiền cho bị hại.
Đồng thời, Mười nhận 280 triệu đồng để xin cho anh Tô Văn Đắc (Chương Mỹ, Hà Nội) vào biên chế chính thức ngành công an. Hiện Mười mới trả lại cho gia đình anh Đắc 100 triệu đồng.
Tổng số tiền các bị can chiếm đoạt của 139 bị hại là trên 31 tỷ đồng, trong đó Phùng Thị Mười chiếm đoạt gần 29 tỷ đồng, Trần Thị Sen chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng.
Kết thúc 2 ngày xét xử, tòa xử phạt bị cáo Mười mức án chung thân, Sen 13 năm tù và Hiếu lĩnh án 7 năm tù.
Vũ Đậu(T/h)