Từ nhiều năm nay, người dân dọc tuyến phố Thụy Khuê – cung đường chạy sát sườn với Hồ Tây thơ mộng phải sống trong tình trạng ô nhiễm từ mương thoát nước. Thậm chí, họ còn gọi con mương bằng cái tên “bể phốt lộ thiên” bởi mùi hôi thối luôn hiện hữu…
Ì ạch tiến độ
Mương thoát nước Thụy Khuê dài khoảng 3km (kéo dài từ dốc La Pho đến cống Đõ, quận Tây Hồ). Đây là một nhánh của sông Tô Lịch và là đường thoát nước chính của 2 quận Ba Đình và Tây Hồ. Từ chục năm trước, con mương này đã bị ô nhiễm trầm trọng. Nước dưới lòng mương đen kịt, rác phủ kín mặt nước và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Hai bên bờ mương cũng không được kè bờ chắc chắn và đang có dấu hiệu sạt lở, lấn chiếm. Nhận thấy tính cấp bách, cuối năm 2012, dự án “Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê” được khởi công với tổng vốn là 400 tỷ đồng do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư. Đơn vị thực hiện dự án là Trung tâm Phát triển quỹ đất và quản lý duy tu hạ tầng đô thị quận Tây Hồ.
Một đoạn công trình vẫn còn đang trong quá trình thi công dang dở - Ảnh: Ngọc Tuấn |
Theo dự án, quy mô cống hóa mương Thụy Khuê bằng hệ thống cống hộp hai làn, có vỉa hè hai bên cùng hệ thống cấp nước, chiếu sáng trên mặt cống. Thời điểm ấy, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ và phường Thụy Khuê khẳng định dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017.
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội vào thời điểm giữa tháng 10/2018, dọc tuyến mương Thụy Khuê vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Cụ thể, trên mặt đất vẫn vương vãi sỏi đá gạch vụn, nguyên vật liệu xây dựng bừa bãi xung quanh. Các máy móc công trình dùng trong công việc san lấp và công nhân vẫn đang làm một cách chậm rãi. Ở một số đoạn công trình, ngay cả việc lắp đặt ống cống vẫn còn dang dở…
Qua tìm hiểu, nước dưới mương chủ yếu là nước thải sinh hoạt cộng với rác do người dân xả trực tiếp xuống. Ngoài ra, do khu vực còn tập trung một số hộ chế biến thực phẩm, làm bánh nên chất thải được đẩy xuống lòng mương ngày càng nhiều. Do không được khơi thông thường xuyên nên độ lưu thoát của mương rất chậm khiến nước đen ngòm, bốc mùi hôi tanh, khó chịu. Bên cạnh đó, ở một số đoạn, ngõ đi chung của người dân trên bờ mương rất chật hẹp, lại không có hàng rào che chắn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, nhất là vào sáng sớm, buổi tối.
Gặp chúng tôi, bà Phạm Thị Huệ (68 tuổi, sống trên phố Thụy Khuê) cho biết, dù đã chậm tiến độ hơn 1 năm nhưng đến nay dự án vẫn triển khai ì ạch và chưa có dấu hiệu hoàn thành. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm mương nước ngày càng trầm trọng hơn. “Con mương chỉ khoảng 3km mà suốt mấy năm trời vẫn chưa được hoàn thiện, người dân hai bên bờ mương vô cùng khốn khổ. Ít ai tin rằng ngay giữa trung tâm Thủ đô lại xuất hiện “bể phốt lộ thiên” ô nhiễm đến vậy”, bà Huệ than vãn.
Để minh chứng lời nói, bà Huệ dẫn PV đi khảo sát tất cả các con ngõ nằm cắt ngang với mương Thụy Khuê. Dừng chân ở đầu ngõ 123 phố Thụy Khuê, chúng tôi không tránh khỏi cảm giác lợm giọng bởi mùi hôi thối bốc lên theo gió thoảng. Đi sâu vào con ngõ chừng 3m là chiếc cầu bắc ngang qua mương Thụy Khuê. Đập vào mắt chúng tôi là một màu đen kịt của dòng nước hòa trộn với các loại chất thải. Trên mặt mương trồi lên những chiếc cọc tre mà theo như lời người dân xung quanh nói thì đó là do các hộ gia đình đóng xuống để cơi nới nhà và công trình phụ.
Tiếp đó, chúng tôi đến hai ngõ khác là ngõ 125 và ngõ 167 phố Thụy Khuê. Một đặc điểm chung của những con ngõ này là ngoài ô nhiễm nghiêm trọng thì đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa có động thái hoàn thành. “Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tiến độ ì ạch của dự án, tuy nhiên chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng của các cấp ngành. Ngoài việc phải sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng, chúng tôi còn lo lắng về nguy cơ phát sinh bệnh tật do ruồi muỗi, chuột bọ hoành hành”, anh Phạm Ngọc Quý (46 tuổi, một người dân địa phương) nói.
Chưa thể chắc chắn thời gian hoàn thành
Người dân sinh hoạt ngay cạnh con mương bốc mùi hôi thối. |
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Công Quảng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án quận Tây Hồ cho biết: “Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ chậm trễ của dự án “Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê”. Trước hết là công tác giải tỏa các hộ gia đình trong diện quy hoạch. Đến thời điểm này, việc tìm chỗ ở tái định cư cho các hộ gia đình đó vẫn chỉ là trên giấy tờ. Các hộ dân thuộc diện giải tỏa vẫn cứ ở đấy nên rất khó để đẩy nhanh tiến độ thi công. Thêm nữa, mương Thụy Khuê nằm trong ngõ nhỏ, muốn thi công chỉ có cách làm từ hai đầu mương chạy vào. Bên cạnh đó, tình trạng các hộ dân hai bên bờ mương chôn cọc để cơi nới nhà, công trình phụ khiến việc thi công gặp rất nhiều khó khăn”.
“Hiện giờ chúng tôi chưa thể chắc chắn được thời gian sẽ hoàn thành công trình, bởi vướng mắc về nơi tái định cư cho các hộ gia đình thuộc diện giải tỏa vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để. Tiến độ san lấp mương Thụy Khuê trước mắt vẫn chỉ có thể thi công từng đoạn nhỏ, vừa làm vừa vận động di dời người dân”, ông Quảng nói.
Ông Quảng cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ làm công tác tư tưởng, vận động di dời một số hộ gia đình trong diện giải tỏa. Nếu tình hình không khả quan, lực lượng chức năng buộc phải cưỡng chế, di dời đối với một số hộ gia đình”.
Còn theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, việc chậm trễ dự án cải tạo mương Thụy Khuê làm ảnh hưởng đến dòng chảy cũng như gây ra những điểm úng ngập phát sinh trong mùa mưa tại Hà Nội. Những ngày không mưa, nước sông Tô Lịch hoàn toàn chỉ là nước thải, không có sự lưu thông nên không thể tự làm sạch, khiến sông ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Trước nhu cầu cấp thiết của hàng nghìn hộ dân sống trong cảnh ô nhiễm trầm trọng khi mùa mưa lũ, đơn vị này đề nghị cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm.
Chuyển đi nơi khác sống vì ô nhiễm Một số người dân sống trên phố Thụy Khuê cho hay, những hôm mưa to, nước bẩn từ mương dềnh lên đầy mặt đường, kéo theo nhiều rác thải tràn cả vào nhà dân. Các hộ dân sống quanh mương chẳng còn cách nào khác là hàng ngày phải đóng chặt cửa để tránh mùi xú uế. Đã có không ít người đã bị mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc không chịu nổi cảnh ô nhiễm phải chuyển nơi khác sinh sống. Ngay đến nhà văn hoá của phường nằm kế bên con mương cũng phải kê đồ đạc lên cao để đề phòng nước tràn vào. |
Ngọc Tuấn
Theo Gia đình & Xã hội