Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, xảy ra trên địa bàn TP. Hà Nội khiến 9 sinh viên ngộ độc rượu.
Theo báo An ninh thủ đô, chiều 11/3, Thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã ký Quyết định số 68, khởi tố vụ án hình sự tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, xảy ra trên địa bàn TP. Hà Nội.
Đại diện CQĐT CATP Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CATP, Phòng CSHS đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm, dẫn đến chết người trên địa bàn TP. Hà Nội.
Trước đó, sáng 11/3, Thiếu tướng Đinh Văn Toản - Phó Giám đốc CATP Hà Nội đã chủ trì cuộc họp với chỉ huy một số phòng nghiệp vụ CATP, Công an quận, huyện; nghe báo cáo tình hình và đưa ra những chỉ đạo quyết liệt đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, kinh doanh mua bán rượu không rõ nguồn gốc trên toàn địa bàn Thành phố.
Bệnh nhân ngộ độc rượu cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: báo Dân Việt |
Như báo Tri thức trực tuyến đã đưa tin, hai ngày qua, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận 9 bệnh nhân (gồm 4 nữ và 5 nam) nhập viện vì ngộ độc methanol. Những người này đều quê ở Gia Lai, là sinh viên Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (cơ sở Hà Nội), cùng tham gia buổi liên hoan ở phòng trọ trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Các bác sĩ cho biết chỉ có 3 người trong số này tỉnh táo. Sáu người còn lại đang hôn mê, phải thở máy và được chỉ định lọc máu. Đến chiều 11/3, nguồn tin từ bệnh viện Bạch Mai cho biết 2 bệnh nhân trong vụ ngộ độc rượu đã tử vong. Phía cơ sở y tế chưa cung cấp danh tính 2 người này.
Theo lời kể của một bệnh nhân, ngày 8/3, nhóm bạn cùng quê Gia Lai mua rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác về phòng trọ để ăn uống từ trưa đến đêm.
Sáng 9/3, một số người có triệu chứng đau đầu, mờ mắt và nôn ra máu nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 198. Sau đó, các bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc. Ngoài 9 người đang nằm viện, 3 sinh viên khác cùng ăn uống hôm đó cũng đến Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra nhưng đã ra về.
Theo báo cáo của Phòng Y tế quận Cầu Giấy, rượu mà những sinh viên này đã uống được mua tại ngõ 259, phố Yên Hòa. Qua xác minh, ngõ này có 2 cửa hàng tạp hóa bán rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc.
Cơ quan chức năng đã xác minh nơi cung cấp rượu cho 2 cửa hàng này và lấy mẫu mang đi giám định, so sánh với rượu tại phòng trọ của các sinh viên.
Điều 6. Nghị định số 55/2010/QH12 Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm: 1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. 2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật này hoặc các quy định khác của pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 3. Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật. 4. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm quy định tại Điều này. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
Tổng hợp