(ĐSPL) - Điểm kinh doanh rượu bia an toàn phải có tối thiểu 2 nhân viên có giấy phép lái xe để đưa xe về cho khách và có nhân viên đưa khách về bằng xe máy...
Ảnh minh họa. |
Chiều ngày 8/2, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động phòng chống lạm dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Mục đích của chương trình là nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; từng bước hình thành thói quen không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sau khi sử dụng rượu, bia trên toàn quốc; nhằm giảm các vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam cho biết, đơn vị này sẽ phổ biến, quán triệt chương trình phối hợp này đến các doanh nghiệp, nhà sản xuất. Đồng thời phối hợp với Ban An toàn giao thông địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phòng chống lạm dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện.
Theo đó, trước mắt sẽ thí điểm xây dựng mô hình này tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM.
Tiêu chí về điểm kinh doanh rượu bia an toàn phải có địa điểm trông giữ xe qua đêm, có tối thiểu 2 nhân viên có giấy phép lái xe để đưa xe về cho khách và có nhân viên đưa khách về bằng xe máy; nhà hàng phải phối hợp hãng taxi để đưa khách về đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, nhân viên nhà hàng phải có trách nhiệm tuyên truyền, giới thiệu tới khách hàng về việc không nên lái xe sau khi khách sử dụng rượu, bia và có thể gửi xe lại quán hoặc nhờ người đưa về; trong nhà hàng có những pano, áp phích tuyên truyền.