Báo điện tử An ninh thủ đô đưa tin, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần này (từ ngày 8 đến 15/3), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc ho gà.
Trường hợp thứ nhất là bé trai 1 tháng tuổi, ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng bệnh ho gà. Trường hợp thứ hai là bé trai 4 tuần tuổi, ở xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất), chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng bệnh ho gà.
Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 17 trường hợp mắc ho gà, trong khi cả năm 2023 chỉ có 1 ca và năm 2022 không có ca bệnh. Diễn biến này là khá bất thường. Đa phần bệnh nhân là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Báo điện tử VietnamPlus thông tin, tính từ đầu năm 2024 cho đến ngày 15/3, Hà Nội đã ghi nhận 513 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Theo các chuyên gia y tế, ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên, bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ sơ sinh. Ho gà lây lan nhanh hơn virus cúm, 1 người có thể lây cho 12-17 người.
Trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine ho gà đầy đủ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh và thường có diễn biến nặng.
Ho gà có biểu hiện và triệu chứng dễ nhầm với các bệnh hô hấp khác, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cụ thể, đối với trẻ ho do cảm lạnh, bởi nhiễm trùng đường hô hấp trên thường bắt đầu với các triệu chứng cảm lạnh, chảy mũi, ngạt mũi và ho.
Đối với trẻ mắc ho gà, các biểu hiện điển hình là trẻ ho rũ rượi, ho từng cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Đặc biệt, những cơn ho xuất hiện nhiều làm trẻ yếu dần như ngừng thở do thiếu ôxy, mặt tím tái, mặt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt nước mũi.
Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6-20 ngày (trung bình 9-10 ngày). Do đó, bác sĩ khuyến cáo khi thấy trẻ nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị càng sớm càng tốt.
Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh ho gà ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn là tiêm vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Các bà mẹ mang thai trên 20 tuần nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh trước khi trẻ chào đời để có hệ miễn dịch cho các bé từ sớm.
Phương Uyên(T/h)