Theo báo An Ninh Thủ Đô, ngày 3/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần 39 vừa qua, TP ghi nhận 1.649 ca mắc COVDID-19 mới, 0 ca tử vong. Số ca mắc giảm 32,2% so với tuần trước (2.432 ca mắc). Số ca mắc trung bình là 235 ca/ngày.
Trong khi dịch COVID-19 có xu hướng giảm, dịch sốt xuất huyết vẫn đang trong mùa cao điểm. Số liệu của CDC Hà Nội cho thấy trong tuần qua (từ ngày 24-30/9), TP ghi nhận 807 ca mắc sốt xuất huyết mới, có thêm 56 ổ dịch mới tại Hà Đông (12), Thanh Oai (7), Đống Đa (6), Hoàng Mai (5), Bắc Từ Liêm (4), Tây Hồ (4), Phúc Thọ (3)…
Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 4.720 ca mắc sốt xuất huyết, 5 ca tử vong. Số ca mắc tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (1.234 ca mắc, 0 ca tử vong). Tuýp virus Dengue lưu hành là Dengue 1, Dengue 2 và Dengue 4.
Về ổ dịch, từ đầu năm đến nay, Hà Nội phát hiện 508 ổ dịch sốt xuất huyết ở 29 quận, huyện. Hiện, còn 171 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện, trong đó, một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân. Đáng chú ý, ổ dịch ổ dịch tại thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có tới 131 bệnh nhân sốt xuất huyết. Số ca mắc tăng nhanh, số ca nhập viện cũng tăng nhanh.
Thời gian này, các cơ sở y tế ở Hà Nội ghi nhận lượng bệnh nhân đến khám tăng đột biến. Các bệnh lý chủ yếu gồm hô hấp, da liễu, rối loạn tiêu hóa do rotavirus, sốt xuất huyết và nhiễm virus Adeno, theo VietNamNet.
Sở Y tế Hà Nội dẫn thông tin số liệu của Bệnh viện Nhi Trung ương cung cấp cho biết, từ đầu năm đến ngày 29/9, Hà Nội đã ghi nhận 1.940 bệnh nhân dương tính với virus Adeno, tăng hơn 900 ca so với báo cáo cách đó 7 ngày. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận/huyện/thị xã.
Có 3 trường hợp tử vong ở Mỹ Đức (1), Phú Xuyên (1) và Tây Hồ (1). Một số quận huyện ghi nhận số mắc cao như Long Biên (175 ca), Đống Đa (154 ca), Hoàng Mai (152 ca) và Nam Từ Liêm (152 ca).
Theo bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, gần đây, đơn vị này ghi nhận số bệnh nhân đến khám tăng đột biến. Trước đây, bệnh viện tiếp nhận khám từ 1.000 - 1.200 bệnh nhân/ngày nhưng thời gian gần đây không ngày nào dưới 1.600 bệnh nhân, thậm chí cao nhất là khoảng 1.800 bệnh nhân với trên 2.200 lượt khám/ngày.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang phải bố trí thêm nhân lực và các bàn khám tăng cường vào những khung giờ cao điểm. Các phòng khám được tăng cường vào thời điểm này chủ yếu dành cho các chuyên khoa như: Truyền nhiễm, hô hấp, nhi, tai-mũi-họng...
Tại khoa Nhi hô hấp Bệnh viện Xanh Pôn, gần 50% số trẻ đang điều trị tại đây được xác định là nhiễm virus Adeno, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Trong khi đó, tại khoa Nhi Bệnh viện Thanh Nhàn, 3 tuần qua trung bình tiếp nhận 30 trẻ/ngày mắc bệnh về đường hô hấp. Bệnh viện đã phải điều động thêm giường từ khoa khác sang. Đây cũng là những bệnh nhi có nguy cơ khó thở cao.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, số ca mắc bệnh phải nhập viện tăng cao. Khoa Truyền nhiễm của đơn vị này phải kê thêm 13 giường bệnh bên cạnh 50 giường chỉ tiêu. Nhiều bệnh nhân nặng, phải theo dõi sát, đòi hỏi các nhân viên y tế cũng căng mình theo dõi bệnh nhân, đề phòng bệnh trở nặng nhanh, sốc sốt xuất huyết dễ tử vong.
Đinh Kim(T/h)