Theo Vnexpress, trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (sở Giao thông Vận tải) ngày 29/10 đã báo cáo thành phố đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Mức phí sẽ được thu linh hoạt thay đổi theo khung giờ, từ 5h đến 21h (giờ cao điểm, giờ thường và giờ thấp điểm). Trong đó, giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí cho tất cả phương tiện; ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ sẽ không thu.
Tờ Tiền phong cho hay, Trung Tâm tư vấn phát triển giao thông vận tải - Đại học Giao thông Vận tải (TRANCONCEN) cũng đã căn cứ vào mức thu nhập của người dân, doanh nghiệp, cùng với đó là khảo sát trong thực tế năm 2019 để đưa ra các mức phí khác nhau.
Cụ thể, đối với phí ngày thường (ngày làm việc trong tuần): xe cá nhân dưới 9 chỗ và xe tải dưới 2 tấn có mức thu là 50.000 đồng/lượt; xe kinh doanh vận tải từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại trên 2 tấn có mức thu 30.000 đồng/lượt.
Phương tiện được miễn phí, gồm: Xe ưu tiên theo quy định hiện hành (công an, quân đội, cứu thương, cứu hỏa...), xe công vụ, xe buýt. Phương tiện được giảm phí gồm: Xe kinh doanh vận tải, xe dưới 9 chỗ của người dân trong khu vực, xe ôtô của cơ quan công sở trong khu vực.
Đối với mức phí ngày cuối tuần và ngày nghỉ, ngày lễ, TRANCONCEN cho rằng, mục tiêu chính yếu của việc thu phí là giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và cũng là lý do để mức phí thay đổi theo thời gian trong ngày (tăng trong giờ cao điểm).
Tuy chưa có phân tích nào cho việc thu phí vào ngày nghỉ, ngày lễ nhưng tư vấn đề nghị không thu phí vào các ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ vì trong các ngày nghỉ và ngày lễ, mức độ ùn tắc giao thông thấp hơn vào các ngày làm việc, do vậy tăng sự đồng thuận của công luận trong việc triển khai dự án.
Với mức thu trên, cả TRANCONCEN và HPTC đã tính toán được tổng mức thu dự kiến tại 87 trạm thu phí của 68 vị trí cho từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ là khoảng 1.067 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2 khoảng 1.577 tỷ đồng/năm, giai đoạn 3 đạt khoảng 1.754 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, đề án đã xác định 68 vị trí với 87 trạm thu phí đặt bên trong ranh giới vành đai 3, nằm trên các trục đường hướng tâm vào trung tâm thành phố. Phương tiện đi đường vành đai 3, xe quá cảnh, không vào trung tâm sẽ không phải trả phí.
Khái toán tổng chi phí đầu tư 87 trạm hơn 2.600 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư ban đầu, thay thế thiết bị hết khấu hao, chưa tính chi phí vận hành.
Dự kiến giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục nội đô có lưu lượng giao thông cao; giai đoạn 2025-2030 xây dựng 59 trạm thu phí tại 46 vị trí phía Nam sông Hồng; sau năm 2030 sẽ khép kín vành đai thu phí theo phương án hoàn chỉnh của dự án, xây 13 trạm thu phí còn lại.
Đề án sẽ được xin ý kiến cấp thẩm quyền, đơn vị, tổ chức liên quan và trình HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm 2021.
Hiện nay số lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng lên 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu xe; ô tô là 0,6 triệu xe.
Vào năm 2017, HĐND Hà Nội đã thông qua Đề án tăng cường quản lý xe cá nhân đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó xác định nhiệm vụ xây dựng thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực có nguy cơ ùn tắc, là một trong các giải pháp hạn chế xe cá nhân và ô nhiễm môi trường.
Hoa Vũ (T/h)