Hàng cây mới được trồng thay thế ở vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Thanh niên
"Những cây được trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh chắc chắn không phải cây Vàng tâm. Đây là loại cây rừng trồng, gỗ chủ yếu để làm... bút chì và gỗ dán. Đây là loại cây sinh trưởng chậm và chưa bao giờ có tên trong những nghiên cứu về cây bóng mát. Mặc dù là cây bản địa nhưng từ thời Pháp thuộc cũng như trong quy hoạch cây xanh hiện đại, Dổi, Mỡ chưa bao giờ được nhắc đến trong bản đồ cây bóng mát từ trước cho đến nay. Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng hàng cây trên sẽ xấu và khó có thể sống được lâu dài”, báo Một Thế giới dẫn lời ông Lê Huy Cường.Cũng liên quan đến loại cây này, GS Nguyễn Lân Dũng Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, cho biết, vàng tâm là cây gỗ rất quý, có giá trị tương đương với cây sưa, giá trị cao, thường mọc ở rừng sâu trong độ cao khoảng 100 – 700m. Cây gỗ này ưa đất chua và lớn rất chậm, đòi hỏi độ cao và không khí lạnh mới có thể phát triển.
Trong chương trình Cuộc sống thường ngày phát sóng trên kênh VTV1, GS Nguyễn Lân Dũng cũng đã chỉ ra điểm không phù hợp khi trồng Vàng tâm là vì loại cây này là cây gỗ quý và phát triển rất chậm trong khi nếu trồng mới cây bóng mát thì cần cây phát triển nhanh và nếu trồng gỗ quý rất có thể nảy sinh thêm vấn đề bị cưa trộm.
Tiến sĩ Đặng Văn Hà - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Cảnh quan và Nội thất, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam cũng nhận định trên báo Dân trí, trồng cây Vàng tâm tại các tuyến phố ở trung tâm Hà Nội là không phù hợp. Cây rất khó phát triển, thậm chí không tồn tại được.
Theo Tiến sĩ Hà, cây Vàng tâm chỉ thích hợp trồng ở những nơi thoáng mát, độ ẩm cao, khí hậu mát mẻ, thường phải dưới 30 độ C thì cây mới tồn tại và phát triển được. Cây Vàng tâm nếu trồng làm cảnh quan, người ta thường trồng ở công viên, nơi có không gian thoáng mát; hoặc nếu trồng ở đường phố phải ở những nơi có khí hậu thích hợp như Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng)…
“Cây Vàng tâm ưa nơi có khí hậu thoáng mát, thường dưới 30 độ C và độ ẩm cao, nhưng không được ngập úng. Đường phố trung tâm Hà Nội vào mùa hè, nhiệt độ có chỗ lên đến 40 độ C thì cây làm sao mà phát triển được, nó sẽ cứ còi cọc, thậm chí còn khó tồn tại được. Mặt khác, đường phố Hà Nội vào mùa mưa rất hay ngập úng, cộng với đất dinh dưỡng ít nên Vàng tâm trồng ở đó là không phù hợp", Tiến sĩ Hà phân tích trên tờ Dân trí.
Cây Vàng tâm: Có tên khoa học Magnolia fordiana, là một loài cây gỗ thuộc họ Mộc lan. Cây xanh, cao 25 - 30 m, đường kính thân cây 70-80 cm. Vỏ cây có màu xám trắng, dày 1 cm. Cành non, lá non có lông tơ màu nâu. Lá Vàng tâm là chất da, dày, hình bầu dục dài, dày 5 - 17 cm, rộng 1,5 - 6,5 cm, đầu nhọn, cuống lá dài 1,4 cm, màu nâu đỏ. Hoa Vàng tâm thuộc loại lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành. Cuống hoa dài 1 - 2 cm, cánh hoa màu trắng, nhị nhiều, lá noãn nhiều, xếp như hình xoắn ốc, có mùi thơm nhẹ, hương lâu. Mỗi lá noãn chứa 5 noãn. Mùa hoa Vàng tâm vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, mùa quả khoảng tháng 9, tháng 10. Quả của cây Vàng tâm có hình trứng hay tròn - trứng, dài 4 - 5,5 cm. Cây Vàng tâm được tái sinh bằng hạt và có tốc độ tăng trưởng trung bình. Cây gỗ mỡ: Có tên khoa học là Manglietia conifera, là cây gỗ nhỡ cao 20-25m, đường kính 30–60 cm. Thân đơn trục thẳng, tròn đều, độ thon nhỏ. Tán hình tháp. Vỏ nhẵn màu xám xanh, không nứt, nhiều lỗ bì tròn; lớp vỏ trong màu trắng ngà, thơm nhẹ. Cành non xanh nhạt gần thẳng góc với thân chính. Lá kèm bao chồi rụng sớm để lại sẹo vòng quanh cành. Lá đơn mọc cách, hình trái xoan hoặc trứng ngược, đầu và đuôi lá nhọn dần; phiến lá dài 15–20 cm, rộng 4–6 cm, mặt trên màu lục thẫm, mặt dưới nhạt hơn, hai mặt lá nhẵn, gân lá nổi rõ. Cuống lá dài, mảnh, gốc mang vết lõm. Hoa lớn, dài 6–8 cm, mọc lẻ ở đầu cành. Bao hoa có 9 cánh, màu trắng; 3 cánh ngoài cùng phớt xanh. Nhị nhiều, chỉ nhị ngắn, nhị và nhụy xếp sát nhau trên đế hoa hình trụ. Nhụy gồm nhiều lá noãn rời xếp xoắn ốc tạo thành khối hình trứng. Quả đại kép hình trứng hoặc hình trụ. Hệ rễ hỗn hợp. |
MAI NGUYÊN