(ĐSPL) - Nguồn kinh phí phục vụ cho việc bắn pháo hoa thường xuyên trên cầu Nhật Tân để cho người dân đến thưởng thức sẽ được huy động 100\% từ doanh nghiệp, cá nhân (xã hội hóa).
Sau khi cầu Nhật Tân được khánh thành vào ngày 4/1/2015, một tuần sau đã có rất đông người dân đã đến tham quan, ngắm cảnh. Trước nhu cầu đó, mới đây, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội đã đề nghị thành phố cho phép bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân để phục vụ người dân đến thưởng thức.
"Ý tưởng nếu được thành phố thông qua thì kinh phí sẽ được huy động 100\% từ doanh nghiệp, cá nhân (xã hội hóa). Nếu cá nhân, doanh nghiệp có tiền, đề xuất với thành phố được bắn pháo hoa nghệ thuật phục vụ nhân dân 30 phút, thành phố sẽ kiểm định chất lượng pháo, độ an toàn và tổ chức bắn. Cứ khi nào có cá nhân, doanh nghiệp đề nghị, thành phố sẽ xem xét để tổ chức bắn chứ không cố định thời gian hay nhân dịp lễ nào. Mục đích của ý tưởng chỉ để phục vụ người dân chứ không phải là một cuộc thi”, ông Động chia sẽ trên báo Dân việt.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội với UBND Thành phố. Dự kiến vào chiều 22/1 tới đây, UBND thành phố Hà Nội sẽ có cuộc họp với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch để nghe trình bày rõ hơn về ý tưởng này. Sau đó thành phố mới có quyết định chính thức về việc này.
Video tham khảo:
Hà Nội: Màn bắn pháo hoa rực rỡ tại bờ hồ Hoàn Kiếm
Sắp tới, dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân Thủ đô đón Tết cổ truyền.
Có tổng số 31 trận địa/30 điểm bắn pháo hoa nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 trên địa bàn thành phố, trong đó có 5 trận địa bắn tầm cao gồm: Hồ Hoàn Kiếm; Công viên Thống Nhất; Vườn hoa Lạc Long Quân; Hồ Văn Quán và Sân vận động Mỹ Đình và 25 điểm tầm thấp tại các quận, huyện, thị xã. Vị trí bắn pháo hoa do từng quận, huyện, thị xã tự xác định.
Bên cạnh đó, Thường trực Thành ủy Hà Nội chấp thuận kế hoạch bắn pháo hoa tầm cao tại 5 điểm trung tâm Thành phố vào các ngày lễ lớn trong năm như dịp Giải phóng miền Nam và Quốc tế Lao động (30-4/1-5) và Ngày Quốc khánh (2/9).
Cầu Nhật Tân là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam và cũng là 1 trong 3 cầu trên thế giới có 5 nhịp cầu dây văng liên tục. Cầu Nhật Tân thuộc vành đai 2 của Hà Nội, bắt đầu tại phường Phú Thượng (Tây Hồ), chạy song song và cách đường Lạc Long Quân khoảng 420m. Sau khi vượt sông Hồng, cây cầu cắt đường 5 kéo dài tại nút giao Vĩnh Ngọc rồi đi thẳng theo hướng bắc và kết thúc ở điểm giao với đường Nam Hồng (huyện Đông Anh). Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng chiều dài 8,93km với quy mô 8 làn xe chạy, trong đó phần cầu chính theo phương án cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp dài khoảng 3,75km, đường 2 đầu cầu dài khoảng 5,2km, mặt cắt ngang rộng 33,2m. Tổng mức đầu tư của cầu Nhật Tân là hơn 13.600 tỷ đồng. Theo Bộ Giao thông vận tải, cầu chính Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp thì phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam như công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép… và đặc biệt là kết cấu móng vòng vây cọc ống thép. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-de-xuat-ban-phao-hoa-thuong-xuyen-tren-cau-nhat-tan-a80061.html