Trong lúc đang chơi đùa, bé gái 8 tháng tuổi bị chó ngao Tây Tạng nặng tới 40 kg tấn công. Mặc dù được người thân đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng bé gái không qua khỏi.
Ngày 19/7, trả lời báo chí, TS Lê Việt Khánh, Phó trưởng khoa Cấp cứu Tiêu hóa, BV Việt Đức cho biết, khoa vừa tiếp nhận một ca bệnh thương tâm, hi hữu do bị chó ngao cắn.
Theo đó, vào sáng 14/7, bé gái 8 tháng tuổi (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) đã được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu nghiêm trọng, không đo được mạch và huyết áp, da nhợt.
Một con chó ngao Tây Tạng. Ảnh minh họa |
Gia đình cháu bé cho biết, trong lúc đang chơi đùa, bé bị chó của nhà là giống cho ngao Tây Tạng nặng tới 40kg tấn công. Khi nhìn thấy con bị chó cắn, người mẹ lao vào cứu cũng bị chó cắn nhiều nhát vào tay.
Ngay sau khi tách bé gái ra khỏi con chó ngao khổng lồ, gia đình đã đưa cháu bé đến bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, cháu bé đã không qua khỏi.
TS Khánh khuyến cáo,các chấn thương do vật nuôi cắn là rất nghiêm trọng, đặc biệt với trẻ em. Vì thế, gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo. Nếu gia đình có nuôi chó thì cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương… Chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm văc-xin ngừa bệnh dại định kỳ.
Trong các trường hợp bị chó cắn, nếu vết cắn chảy máu nhiều cần tập trung cầm máu trước, sau đó sát trùng vết thương. Khi rửa vết thương, cần rửa cùng xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
Hoàng Yên (T/h)