Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, tại Hội nghị triển khai đợt cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết vừa được UBND TP. Hà Nội tổ chức, Sở Y tế Hà Nội cho biết, liên tục trong 4 tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên tăng mạnh. Riêng trong tuần cuối cùng của tháng 9/2023 có thêm gần 2.600 trường hợp mắc, tăng 1,5 lần so với tuần đầu của tháng 9/2023.
Ngoài ra, tổng số ổ dịch tính từ đầu năm 2023 đến nay là 1.029. Hiện còn 289 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã, trong đó, một số ổ dịch diễn biến phức tạp kéo dài. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân như: Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thanh Trì, Thạch Thất, Hà Đông, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Oai…
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết bệnh viện này dành tỉ trọng giường lớn hơn cho sốt xuất huyết. Mỗi ngày tiếp nhận 70-80 ca, trên 30 ca có dấu hiệu cảnh báo - đe dọa diễn tiến nặng trong vài tiếng tới. Hiện có 80 bệnh nhân đang trong tình trạng rất nặng, theo Báo Tiền phong.
"Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận ca tử vong. Chúng tôi cố gắng kiểm soát ca bệnh nặng, ca có dấu hiệu cảnh báo để hạn chế tử vong. Sau dịch COVID-19, các bác sĩ của bệnh viện quen với việc tăng cường mở rộng giường bệnh để đáp ứng nhu cầu bùng phát đột ngột nên trong trường hợp có nhiều bệnh nhân hơn nữa chúng tôi vẫn có thể đáp ứng được”, bác sĩ Cấp thông tin.
Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết luôn kín giường. Khoảng 6% số bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng, còn 94% trung bình, nhẹ tự khỏi. Trong 6% nếu phát hiện sớm, kịp thời, xử lí đúng, sẽ không diễn biến nặng. Ngược lại, nếu không kịp thời điều trị, diễn biến nặng sẽ dẫn đến tử vong.
Ông đồng thời cho biết, điều lo ngại nhất ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết là tình trạng sốc, thường xảy ra ở pha 2, khó theo dõi. Nếu bệnh nhân được can thiệp tốt ngay từ khi có dấu hiệu cảnh báo, chưa sốc thì phục hồi nhanh. Nếu không phát hiện được để diễn tiến sang sốc thì diễn biến vô cùng xấu, tỉ lệ cứu sống không được cao.
Trước thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cho rằng, các chuyên gia y tế đã phân tích, điều kiện thời tiết, mật độ dân số đông, giao thương đi lại nhiều… là những lý do khách quan khiến gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết. Dù vậy, không vì lý do đó mà không quyết liệt trong công tác phòng, chống để giảm thiểu dịch bệnh một cách tốt nhất, bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người dân.
Qua thực tế kiểm tra tại nhiều địa bàn, bà Vũ Thu Hà phân tích, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng, chống sốt xuất huyết của Hà Nội đã có từ rất sớm và tương đối đầy đủ nhưng tại một số địa phương triển khai chưa triệt để, hiệu quả dẫn đến gia tăng số ca mắc và ổ dịch diễn biến kéo dài. Ngược lại, nhiều địa phương khi phát hiện ca bệnh đã kiểm soát tốt, nhờ đó, giảm số ca mắc và khống chế được dịch bệnh…
Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thị Mai Hương cho rằng, trong giai đoạn này cần phải huy động toàn bộ nguồn lực để tạo sóng truyền thông về công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Để tạo được sóng truyền thông thì phải đồng thời có nhiều nội dung thông tin đưa ra ở cùng một thời điểm tại nhiều địa điểm với nhiều kênh truyền thông và hình thức truyền thông đa dạng, phù hợp với các đối tượng cần tác động…
Phó Chủ tịch UBND TP. Vũ Thu Hà cũng đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai đợt cao điểm về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Cụ thể, ngay sau hội nghị, 30 quận, huyện, thị xã cần xây dựng kế hoạch triển khai đợt cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết một cách chi tiết, trong đó yêu cầu nội dung truyền thông phải tới được từng người dân…
Như Quỳnh(T/h)