(ĐSPL) – Trong 10 ngày đầu ra quân xử lý, Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội đã xử lý 252 trường hợp phương tiện vi phạm giao thông, tạm giữ 9 phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với 47 trường hợp.
Theo tin tức từ Phòng Cảnh sát Giao thông (PC67, Công an TP.Hà Nội), để tiếp tục siết chặt công tác quản lý hoạt động vận tải, góp phần lập lại trật tự, ATGT trên địa bàn thành phố, ngày 10/12 Phòng PC67 đã ban hành kế hoạch giao cho Đoàn Thanh niên kiểm tra, xử lý xe ô tô tải vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông.
Sau 10 ngày triển khai thực hiện, tổ công tác của PC67 đã báo cáo kết quả ban đầu. Cụ thể, từ ngày 15-24/12, tổ công tác của Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát PC67 xử lý 252 trường hợp phương tiện vi phạm giao thông, tạm giữ 9 phương tiện, 243 bộ giấy tờ và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với 47 trường hợp.
Cảnh sát giao thông xử lý xe vi phạm.(Ảnh:CAND) |
Theo cơ quan chức năng, các hành vi vi phạm chủ yếu của người tham gia giao thông bao gồm: Đi vào đường cấm, đi không đúng thời gian quy định, quá tải, quá khổ.....
Đặc biệt, các tổ công tác cũng đã phát hiện 01 vụ việc xe ô tô 16 chỗ ngồi được tháo ghế để chở 27 kiện hàng hoá có dấu hiệu làm giả nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Phòng Cảnh sát PC67 cũng cho biết, cùng trong khoảng thời gian trên, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 13 vụ TNGT nghiêm trọng, khiến 13 người tử vong, 2 người bị thương.
Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát Giao thông PC67 tiếp tục tăng cường công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, xác định các tuyến, địa bàn phức tạp về trật tự, ATGT, đặc biệt các tuyến có nhiều xe ô tô tải có trọng trọng tải lớn hoạt động để bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, lập các tổ công tác chuyên đề đã tăng cường công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe tải vi phạm trên toàn địa bàn thành phố, đặc biệt trên địa bàn các đơn vị nội thành.
Điều 11. Chấp hành báo hiệu đường bộ (Luật Giao thông đường bộ năm 2009) 1. Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. 2. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. 3. Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời. 4. Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |