Bất chấp biển báo hạn chế tải trọng, những chiếc xe có tải trọng gấp đôi, gấp ba lần tải trọng cho phép vẫn ngang nhiên cơi nới thành thùng, chở cát sỏi, than đá quá tải trọng trên đê hữu sông Hồng đoạn đi qua địa phận huyện Duy Tiên (Hà Nam).
Xe có dấu hiệu, quá khổ quá tải ngang nhiên qua biển cấm 12 tấn. |
“Oằn mình” chống đỡ xe quá tải
Đó là hiện trạng tại tuyến đê Hữu Hồng đoạn qua địa bàn ba xã Mộc Nam, Mộc Bắc và xã Chuyên Ngoại thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam ngày đêm oằn mình gồng gánh xe quá tải ngang nhiên chạy rầm rộ mỗi ngày.
Mặc dù đã có biển cấm trọng tải dưới 12 tấn hoạt động trên tuyến đê hữu sông Hồng đoạn qua địa phận xã 3 xã Mộc Nam Mộc Bắc và Chuyên Ngoại huyện Duy Tiên. Tuy nhiên, những gì đã và đang diễn ra tại đây theo ghi nhận của PV sáng ngày 9/10, đoạn từ thôn Yên Mỹ tới thôn Từ Đài xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có hàng trăm lượt xe tải đủ loại từ 2 trục tới 4 trục cơi nới thành thùng chạy rầm rộ trên đường đê gây bụi bặm, mặt đường loang lổ bong tróc, đứt gãy, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà; mưa thì ngập úng, nắng gió thì khô bụi, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Theo một số người dân sinh sống tại dọc tuyến đê cho biết: “hàng ngày xe tải vẫn ra vào đây lấy cát và than, xe nào xe đấy chở đầy ắp thùng và có ngọn như quả núi ấy. Họ liên tục vào trong này lấy cát, sỏi (vào các mỏ cát ở thôn Yên Mỹ - PV) chạy lên đê hữu Hồng rồi chạy ra quốc lộ 38 (QL 38) đi các nơi tiêu thụ...”.
Khói bụi ô nhiễm mỗi khi xe chạ trên mặt đê sông Hồng. |
Cùng chung bức xúc ông Tuấn lái xe ôm cho biết: "không hiểu với lượng xe tải hoạt động liên tục ngày đêm, xe thì chở 30 - 40 tấn hàng chạy trên đường đê cấm xe trên 12 tấn, thì liệu rằng kinh phí để tu sửa tuyến đê bao nhiêu cho đủ, hơn nữa tôi (Ông Tuấn - PV) thấy lực lượng chức năng không thường xuyên có mặt để kiểm tra xử lý vi phạm".
Nguồn vốn duy tu sửa chữa đê hàng năm trôi theo “nước lũ”
Được biết kinh phí chi hàng năm cho công tác nâng cấp sữa chữa các tuyến đường đê của tỉnh Hà Nam là 10 tỷ đồng, nhưng thực tế cho đến hiện tại những tuyến đê Hữu Hồng vẫn "nứt toác, mặt đường bong tróc, lún gãy nhiều đoạn kéo dài" luôn tiềm ẩn hiểm hoạ giao thông cho người dân sinh sống ven đê sông Hồng.
Nguồn ngân sách chi hàng năm cho công tác hộ đê là 10 tỷ đồng, số tiền tuy lớn nhưng đê phải làm rất nhiều, phải vài trăm tỷ mới đủ để sửa chữa; 10 tỷ đồng chỉ sửa được những việc nhỏ như phát quang đê, rải cấp phối mặt đê, cải tạo sửa chữa dốc lên đê, gia cố đường hành lang, khoan nhồi gia cố thân đê.
Kinh phí duy tu sửa chữa hàng năm hàng chục tỷ đồng, tuy nhiên thiếu sự đồng bộ và hàng ngày phải oằn mình chống đỡ đoàn xe quá tải ngày đêm hoành hành; cày xới phá nát mặt đê nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm khiến cuộc sống người dân ven đê sông Hồng ngày đêm sống trong bụi bặm và mất an toàn giao thông.Theo báo cáo tổng kết công tác PCTT & TKCN năm 2017 của UBND tỉnh Hà Nam về công tác tu bổ, nâng cấp đê, rải cấp phối mặt đê, sửa chữa khắc phục bê tông mặt đê bị vỡ, sụt lún; gia cố mặt đê bằng bê tông asphalt…với tổng kinh phí 10 tỷ đồng.
Liên quan đến nội dung dư luận phản ánh nêu trên, trong buổi làm việc với PV, Công an huyện Duy Tiên (Hà Nam) cho biết: "Thời gian qua, Công an huyện Duy Tiên cũng đã bố trí lực lượng ngăn chặn xử lý tình trạng trên, cụ thể đã xử phạt hàng chục trường hợp xe tải vận chuyển quá tải và để rơi vãi vật liệu ra đường với tổng số tiền phạt nộp NSNN là 26.500.000 đồng. Công an huyện Duy Tiên cảm ơn Báo Đời sống & Pháp luật đã kịp thời thông tin tình trạng xe quá tải chạy lén lút trên đê hữu Sông Hồng vào những khung giờ cao điểm nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Trên cơ sở đó, Công an huyện Duy Tiên trong thời gian tới sẽ tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát kết với với việc tuyên truyền giáo dục để xử lý triệt để những tồn tại như báo đã nêu". |
Nguyễn Quý – Minh Hoàn