“Nổ” có thể “chạy” chuyển công tác vì có người thân là sếp ở bộ Công an, Diễn (nguyên Đại úy Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng nữ đồng phạm đã lừa lấy gần nửa tỷ đồng của tình cũ. Tại phiên tòa sơ thẩm lần một, Diễn khai báo quanh co, chối tội rồi kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên, trong phiên xử lần hai, Diễn phải cúi đầu khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Kịch bản lừa tiền tình cũ
Cánh cửa xe bít bùng bật mở, bị cáo Phạm Huy Diễn (SN 1978, trú tại TP.HCM, nguyên Đại úy công an tại trại tạm giam Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) được dẫn giải vào phòng xử án của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo sau Diễn là đồng phạm Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 1982, trú tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Cả hai cùng hầu tòa về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Diễn 14 năm tù, Tuyết 8 năm tù. Sau đó, Diễn kháng cáo, kêu oan.
Tại phiên tòa phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để điều tra, xét xử lại. Ngày 20/8 và 8/9/2015, bà L.T.C. (SN 1984, trú huyện Bình Chánh, TP.HCM) và ông P.C.H. (SN 1984, trú quận 5, TP.HCM) cùng công tác tại Công an TP.HCM gửi đơn đến ban Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tố cáo Phạm Huy Diễn và Nguyễn Thị Ánh Tuyết có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà C. và ông H., thông qua việc mượn tiền và “nổ” chạy việc vào tổng cục III - Bộ Công an.
Kết quả điều tra xác định Diễn có quan hệ tình cảm với bà C. từ năm 2007 đến năm 2010. Sau khi chia tay, Diễn và bà C. đều lập gia đình riêng nhưng vẫn giữ liên lạc với nhau. Do Tuyết là phạm nhân chấp hành án 14 tháng về tội Trộm cắp tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại nơi Diễn công tác nên cả hai quen biết nhau.
Sau khi Tuyết chấp hành án xong, Tuyết và Diễn cùng góp vốn kinh doanh xe cẩu, làm cát, mở quán cà phê ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Quá trình làm ăn chung, Diễn kể cho Tuyết nghe về mối quan hệ với bà C.. Sau đó, từ giữa năm 2014 đến năm 2015 Diễn sắp đặt, chỉ dẫn Tuyết thực hiện hành vi đóng giả người thân của Diễn, than vãn hoàn cảnh khó khăn để mượn tiền bà C.. Cùng với thủ đoạn “nổ” có thể “chạy” chuyển công tác, cả hai đã chiếm đoạt của bà C., ông H. tổng cộng 645.900.000 đồng.
Quá trình điều tra, Diễn “ép” Tuyết cùng trốn lên TP.HCM để Tuyết không khai ra hành vi phạm tội của mình. Sau đó, công an phát lệnh truy nã Tuyết và bắt được cả hai tại TP.HCM.
Bị cáo Diễn cùng Tuyết tại tòa. Ảnh : Người Đưa Tin Pháp Luật |
Định chối tội nhưng bất thành
Tại tòa, bị cáo Tuyết thừa nhận hành vi phạm tội của mình như phiên xét xử sơ thẩm lần một. Tuyết khai, Tuyết không hề quen biết ai trong ngành công an, “chị Tư”, “chị Trang” đều là nhân vật hư cấu do Diễn sắp đặt, hướng dẫn Tuyết nói với bà C. Hơn nữa, số tiền mà bà C. đã chuyển đều được chuyển vào tài khoản của Diễn, không dùng vào việc làm ăn chung giữa 2 người.
Quá trình xét hỏi, Tuyết thừa nhận hành vi phạm tội của mình là cùng Diễn thực hiện hành vi lừa đảo nhưng không sử dụng số tiền chiếm đoạt được vì bản thân bị “gài bẫy”. Sau khi làm rõ các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Tuyết, HĐXX hỏi Diễn có ý kiến gì về cáo trạng không, Diễn trả lời: “Bị cáo bị oan”.
Tại tòa, Diễn cho rằng tất cả lời khai của Tuyết và bị hại C. đều là vu khống. Diễn khẳng định bị cáo không nhận bất cứ khoản tiền nào từ bị hại. Tất cả là do Tuyết nghe được từ Diễn và tự bản thân lừa đảo, thậm chí “mượn danh” Diễn. Quá trình tranh luận, HĐXX đề nghị đại diện VKS làm rõ tất cả số tiền lừa đảo vào tay ai? Tài khoản của ai?
Qua đối chất, bị cáo Tuyết khai nhận toàn bộ số tiền nhận từ bà C. ông H. đều vào tài khoản của Diễn. Ngay cả số số tiền mặt Tuyết nhận cũng đã giao cho Diễn. Trước những chứng cứ, lập luận không thể chối cãi, Diễn đã phải cúi đầu thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. HĐXX làm rõ tình tiết số tiền 102.300.000 đồng mà trước đó Diễn đã “hướng dẫn” Tuyết điện thoại mượn của bà C. là giao dịch dân sự. Qua đó, cơ quan tố tụng xác định số tiền mà Diễn và Tuyết lừa đảo của các bị hại là 493.600.000 đồng (trước đó, Diễn đã trả 50 triệu đồng cho bà C.).
Do vậy, VKS thay đổi điều khoản truy tố bị cáo Diễn và Tuyết từ điểm a, khoản 4 sang điểm a, khoản 3, Điều 174 BLHS. Mức án đề nghị với Diễn là 7-12 năm tù, Tuyết từ 5-6 năm tù. Phát biểu tại tòa, bà C. đề nghị xử theo quy định pháp luật và buộc các bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Cuối cùng, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Diễn 8 năm tù và bị cáo Tuyết 5 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Về trách nhiệm dân sự, buộc Diễn phải trả 102.300.000 đồng cho bà C.. Cả hai bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền 493.600.000 cho bà C. (số tiền ông H. bị các bị cáo lừa đã được bà C. trả lại cho ông H. từ trước đó – PV). Phiên tòa kết thúc, vở kịch lừa đảo của Diễn cũng “khép lại” với mức án thích đáng.
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số 92