Dù mỏ đã bị đóng cửa từ 2 năm trước nhưng doanh nghiệp vẫn công khai bạt núi, khai thác khoáng sản trái phép mà không có sự can thiệp của chính quyền địa phương, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia.
Ngọn núi bị bổ dọc với lát cắt chiều dài tới gần 100 m. |
"Ôm" mỏ gần chục năm rồi…để đó
Năm 2009, Công ty Cổ phần Thép An Khang (Công ty An Khang) được UBND tỉnh Hà Giang cấp Giấy phép số 1560/GP-UBND ngày 1/6/2009 liên quan đến việc khai thác khoáng sản Thân quặng I của mỏ sắt Suối Thâu (nằm trên địa bàn xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang).
Theo nội dung giấy phép, khu vực Thân quặng I của mỏ sắt Suối Thâu có xấp xỉ 2,7 triệu tấn quặng sắt và 3,6 triệu tấn quặng Chì - Kẽm, Công ty An Khang được phép khai thác 360 tấn quặng/năm, trong thời hạn 09 năm.
Quyết định của UBND tỉnh Hà Giang cũng kèm theo điều kiện là mọi hoạt động khai thác khoáng sản chỉ được phép tiến hành sau khi doanh nghiệp hoàn thành đầy đủ các thủ tục: nộp thiết kế mỏ, thông báo về Giám đốc điều hành mỏ, kế hoạch khai thác cho sở Tài nguyên Môi trường, sở Công thương, ký quỹ môi trường, ký hợp đồng thuê đất và đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh…
Không chỉ mỏ sắt Suối Thâu, Công ty An Khang còn xin thêm các thân quặng khác gồm: Thân quặng II, III, IV, V, VI mỏ sắt Suối Thâu, xã Minh Sơn và thân quặng VII, VIII của mỏ sắt Thâm Thiu, xã Giáp Trung huyện Bắc Mê. Tổng trữ lượng các mỏ này khoảng 4,8 triệu tấn quặng sắt.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn (từ 2009 -2010), doanh nghiệp này đã được cấp quyền khai thác ở 8 mỏ sắt với trữ lượng vô cùng lớn.
Kỳ lạ ở chỗ, dù "ôm" nhiều mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn nhưng Công ty An Khang lại không hoàn tất các thủ tục để đưa mỏ vào hoạt động khai thác.
Tính đến cuối năm 2017, Hà Giang rà soát tổng thể các điểm mỏ để ra Quyết định về Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn thì cả 8 điểm mỏ nói trên của công ty An Khang đều bị liệt vào danh sách chưa hoàn thành các thủ tục.
Theo nội dung giấy phép khai thác khoáng sản, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực, nếu doanh nghiệp không hoàn thành các thủ tục để cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thì Giấy phép không còn hiệu lực thi hành.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, Công ty An Khang vẫn “ôm” mỏ nhiều năm liền mà không bị thu hồi, xử lý?
Điềm nhiên khai thác khi mỏ đã bị đóng cửa?
Phải đến ngày 17/8/2018, sau 9 năm được cấp phép, Giấy phép khai thác khoáng sản Thân quặng I của mỏ sắt Suối Thâu mặc nhiên hết hạn, căn cứ theo công văn số 1000/STTMT-KSN ngày 19/7/2018 của sở Tài nguyên& Môi trường Hà Giang, UBND tỉnh Hà Giang có văn bản chỉ đạo Công ty An Khang chấm dứt mọi hoạt động khoáng sản tại khu vực thân quặng I, mỏ sắt Suối Thâu, xã Minh Sơn (Bắc Mê).
Kể từ ngày 2/6/2018, các công trình, thiết bị đảm bảo an toàn mỏ, bảo vệ môi trường ở khu vực khai thác khoáng sản thuộc sở hữu Nhà nước, không được tháo dỡ, phá hủy.
Trong thời gian 6 tháng, kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, Công ty Cổ phần thép An Khang phải di chuyển tài sản còn lại của mình và của các bên liên quan ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản; sau thời gian này, tài sản còn lại thuộc sở hữu Nhà nước.
Lập thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản tại khu vực thân quặng I, mỏ sắt Suối Thâu, xã Minh Sơn theo quy định tại Thông tư số 45/2016/TT- BTNMT của bộ Tài nguyên và Môi trường.
UBND huyện Bắc Mê, UBND xã Minh Sơn có trách nhiệm quản lý, bảo vệ mỏ khu vực thân quặng I, mỏ sắt Suối Thâu theo quy định của Luật Khoáng sản, Luật Đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Phương tiện khai thác khoáng sản của Công ty An Khang. |
Mỏ đã hết hạn, UBND tỉnh Hà Giang cũng có văn bản chỉ đạo đóng cửa mỏ, giao UBND huyện Bắc Mê, UBND xã Minh Sơn có trách nhiệm quản lý, bảo vệ mỏ nhưng đến tháng 12/2020, Công ty An Khang đột nhiên đưa máy xúc, ô tô tải hạng nặng vào khai thác ồ ạt, thần tốc tại Thân quặng I, mỏ sắt Suối Thâu.
Chỉ trong một thời gian ngắn, gần như cả quả núi quặng sắt – chì – kẽm thuộc thôn Nà Sáng, xã Minh Sơn đã bị bổ dọc với lát cắt chiều dài tới gần 100 m….
Việc công ty An Khang tổ chức khai thác sau khi mỏ đã bị đóng cửa là hoạt động đào mỏ trái phép. Việc làm này không chỉ trái với quy định của pháp luật mà còn phá vỡ cảnh quan tự nhiên, cũng như môi trường rừng và sinh thái trong khu vực, tác động xấu đến môi trường sinh thái, gây bức xúc cho dư luận.
Thế nhưng, dù diễn ra rầm rộ, công khai nhưng không hiểu sao UBND xã Minh Sơn, UBND huyện Bắc Mê, sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh Hà Giang lại không hề nắm bắt được động thái này của doanh nghiệp và có biện pháp xử lý kịp thời để bảo vệ tài nguyên khoáng sản quốc gia.
"Chảy máu" khoáng sản, Sở Tài nguyên& Môi trường Hà Giang ở đâu?
Năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đã ký quyết định số 2627 về việc ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ngành, địa phương. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ là đầu mối của tỉnh trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác có trách nhiệm tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất khi có thông tin tại các địa bàn có xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép.
Công an tỉnh có trách nhiệm Phối hợp các sở ngành liên quan, kiểm tra, xử lý hoạt động mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, buôn bán, vận chuyển khoáng sản trái pháp luật.
Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.
Tỉnh Hà Giang ban hành phương án bảo vệ khoáng sản rõ ràng là thế nhưng việc “chảy máu” khoáng sản tại mỏ sắt Suối Thâu vẫn xảy ra nghiêm trọng, công khai, bất chấp những quy định của pháp luật khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về việc quản lý của chính quyền địa phương cũng như sở Tài nguyên& Môi trường Hà Giang.
Khoáng sản là tài sản quan trọng của quốc gia, phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nhằm, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Để không làm ảnh hưởng đến nguồn lực tương lai và tránh những rủi ro về môi trường, UBND tỉnh Hà Giang, sở Tài nguyên& Môi trường tỉnh Hà Giang, UBND huyện Bắc Mê và các đơn vị cơ quan chức năng có liên quan cần nhanh chóng vào cuộc, xem xét xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm trong thời gian qua.
Bạch Hiền